Vương quốc Anh đang lâm vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng. Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là thiếu lái xe bồn thì tác động của Brexit cũng khiến sự việc phức tạp hơn.
Những ngày qua, cảnh các ôtô xếp hàng dài nhiều giờ trong lúc các bác tài mệt mỏi chờ đổ xăng được ghi nhận ở nhiều nơi trên khắp nước Anh. Cả nghìn cây xăng trong tuần này đã thực sự cạn khô. Nhiều lái xe giận dữ, có người thậm chí còn vác dao đe dọa khi một lái xe khác định chen hàng lấn lượt.
Huy động quân đội
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Theo Đài CNN, nguyên nhân căn bản là do thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ lái xe bồn để chở nhiên liệu từ cảng hoặc nhà máy lọc dầu đến các cây xăng.
Bên cạnh đó, việc nhiều người vì quá lo lắng đã ồ ạt kéo nhau đi mua xăng tích trữ cũng khiến nguồn cung thêm căng thẳng. Một số người trữ xăng vào cả những chai rỗng.
Tiến sĩ Florian Lucker, giảng viên về quản lý chuỗi cung ứng tại Trường kinh doanh Bayes thuộc Đại học London, so sánh tình cảnh đổ xô đi mua xăng hiện nay ở Anh với "cơn bão" tích trữ giấy vệ sinh ở Mỹ hồi đầu đại dịch COVID-19 năm ngoái.
Đồng tình với ông Lucker, nữ tiến sĩ Joanna Clifton-Sprigg tại Đại học Bath (Anh) nhận định: "Có thể chúng ta bị chậm trễ trong khâu cung cấp nhiên liệu. Nhưng nếu mọi người không ùn ùn kéo đến các trạm xăng và đổ đầy mọi chiếc ôtô thì tình hình sẽ không tệ hại như vậy".
Để phần nào giải quyết vấn đề, từ ngày 4.10 Anh sẽ điều động lực lượng quân nhân tham gia vận chuyển nhiên liệu. Chính phủ Anh cho biết có 200 quân nhân chuyên về xe chở dầu trong quân đội, trong đó có 100 lái xe, sẽ được huấn luyện xong vào cuối tuần để chở xăng từ đầu tuần tới.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Anh Simon Clarke, trong bối cảnh lượng xăng chuyển đến các trạm đang nhiều hơn mức bán ra, cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Anh đã "trở lại trong tầm kiểm soát". Ông cho biết tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện "nếu mọi người nối lại thói quen mua xăng bình thường".
Ảnh hưởng từ Brexit
Anh đang đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng giống như Mỹ và châu Âu. Trong khi thế hệ các lái xe tải lớn tuổi đã về hưu, nhiều người trẻ hiện nay không mặn mà với công việc đó. Một số lái xe không muốn quay lại "cuộc sống trên đường" vì công việc lái xe tải vất vả, "cô đơn" và không có lợi cho các mối quan hệ xã hội.
Đại dịch COVID-19 kéo dài cũng làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các trường tổ chức thi cấp bằng lái xe tải đóng cửa, việc vận chuyển hàng hóa từ nước này sang nước khác khó khăn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Anh còn bị ảnh hưởng từ Brexit - việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Theo tạp chí Vox, Brexit không phải nguyên nhân gây ra khủng hoảng nhiên liệu hiện nay nhưng đã làm cho nó trầm trọng hơn.
Anh đang rất thiếu lái xe tải chở hàng hạng nặng (HGV) do khó khăn trong tuyển dụng. Sau Brexit, khoảng 20.000 lái xe tải đã quay về các nước châu Âu khác. Theo giới chức trong ngành, Anh đang thiếu khoảng 100.000 lái xe HGV.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề xuất kế hoạch cấp thị thực tạm thời cho 5.000 lái xe nước ngoài đến Anh làm việc để bổ sung nhân lực.
Tuy nhiên, theo Đài Sky News, tình trạng thiếu lái xe của Anh càng trầm trọng hơn do lực lượng này cũng đang sụt giảm ở các nước châu Âu khác. Ước tính Ba Lan cần ít nhất 120.000 người, Đức và Pháp thiếu hơn 40.000 người mỗi nước.
Ngoài ra, nhiều lái xe tải đã rời Anh sau Brexit cho biết không có kế hoạch trở lại. Ông Artur Jarzebski, một lái xe người Ba Lan 42 tuổi, nói với kênh truyền hình NBC News rằng ông cảm thấy không còn được chào đón ở quốc gia này trong giai đoạn hậu Brexit.
Không chỉ các cây xăng ở Anh "đói hàng" do thiếu lái xe, ngay cả một số siêu thị cũng không đủ hàng bán do thiếu nhân viên chế biến thực phẩm, một phần cũng vì COVID-19 và Brexit.
Theo báo Financial Times, từ vấn đề nhiên liệu, nguồn cung thực phẩm cho tới việc các bệnh viện đang chịu áp lực do COVID-19, nước Anh có thể sẽ đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng tới đây.
"Ác mộng" Giáng sinh
Theo báo The Guardian, giới phân tích đang lo tình trạng thiếu lao động và các trục trặc trong khâu vận tải sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm (nhất là gà tây...) và quà tặng tại Anh trong mùa Giáng sinh năm nay.
"Tôi cho rằng Giáng sinh năm nay sẽ là cơn ác mộng với người tiêu dùng. Trên các kệ siêu thị vẫn có thực phẩm, nhưng sẽ không nhiều sự lựa chọn cho khách hàng" - ông Clive Black, nhà phân tích bán lẻ tại Công ty đầu tư Shore Capital (Anh), bình luận.
Theo Tuổi trẻ