Dù tiến sát vào vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi từ đêm qua nhưng đến chiều tối 12.9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 5) vẫn "lởn vởn" trên biển và chưa đi vào đất liền như dự báo.
Áp thấp nhiệt đới vẫn "lởn vởn" trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Chiều 12.9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đêm qua 11.9, bão số 5 (bão Côn Sơn) đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 18h chiều 12.9, áp thấp nhiệt đới vẫn đang trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (40 - 60 km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển, sau đó di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong chiều 12.9, các quan trắc gió tại đảo Lý Sơn ghi nhận gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
"Hiện các ổ mây đối lưu gần tâm áp thấp nhiệt đới đang rất yếu, do đó nguồn năng lượng cho áp thấp nhiệt đới bị hạn chế, nó sẽ suy yếu dần. Ngoài ra, độ đứt gió khu vực tâm áp thấp nhiệt đới rất lớn, nếu có nguồn năng lượng đi nữa thì cũng sẽ bị phân tán ra xa, không tập trung ở gần tâm áp thấp nhiệt đới. Do đó, áp thấp nhiệt đới không thể mạnh lại thành bão", ông Lâm nhận định.
Về lý do vì sao từ tối qua đến chiều nay, áp thấp nhiệt đới này vẫn "lởn vởn" ở vùng ven biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mà chưa vào đất liền, ông Khiêm cho biết áp thấp nhiệt đới nằm trong sự chi phối phức tạp của 3 hệ thống áp cao cận nhiệt đới, là các hệ thống có dòng dẫn đường chi phối sự di chuyển của bão.
Do áp cao cận nhiệt đới ở phía bắc suy yếu và di chuyển về phía đông, trong khi áp cao cận nhiệt đới ở phía đông và phía tây ổn định khiến áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển. Dự báo khi cơn bão Chanthu đi lên phía bắc, áp cao cận nhiệt đới ở phía đông lấn về phía tây, khi đó áp thấp nhiệt đới sẽ dịch chuyển vào bờ.
"Hiện nay do địa hình nên các mô hình dự báo khá phân tán đối với cơn áp thấp nhiệt đới này. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về dự báo tối nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi sâu vào bờ, bám chút vào đất liền rồi suy yếu thành vùng áp thấp", ông Khiêm nhận định.
Dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng ông Khiêm cảnh báo trong 12 giờ tới, từ vĩ tuyến 14,5 đến 16,5 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 110 độ kinh đông vẫn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Toàn bộ các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Ở vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động.
Trong tối nay 12.9, vùng ven biển khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8. Khu vực từ Đà Nẵng đến phía bắc Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.
Từ nay đến ngày 13.9, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 200mm. Từ đêm nay đến ngày 14.9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến 17h chiều 12.9, mưa bão số 5 làm 1 người chết, 5 phương tiện bị chìm (3 tàu QNg 98436TS, QNg 92862TS và QNg 94443TS chìm tại khu neo đậu, trên tàu không có người; tàu QNg 95058TS và sà lan ĐNa0494 chìm trên biển, được tàu cảnh sát biển cứu), 2 tàu mắc cạn tại Thanh Khê, Đà Nẵng.
59 nhà tốc mái, hư hại (Thừa Thiên Huế 29 nhà, Quảng Ngãi 25 nhà, Kon Tum 2 nhà, Gia Lai 3 nhà) và 2.734 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (Quảng Bình 290 ha, Quảng Trị 450 ha, Quảng Ngãi 1.604 ha, Kon Tum 389 ha).
Theo Tuổi trẻ