Những năm gần đây, vào ngày Thất tịch, các bạn trẻ thường đua nhau ăn chè đậu đỏ và các món ăn từ đậu đỏ; tại sao lại có trào lưu này?
Ngày Thất tịch (7.7 âm lịch) là ngày Ngưu lang Chức nữ gặp nhau. Sự tích này có trong kho tàng truyện dân gian của cả Việt Nam và một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nguồn gốc ngày Thất tịch
Chuyện kể rằng, Ngưu lang, một người phàm trần chăn trâu và Chức nữ - nàng tiên dệt vải, con gái của Vương mẫu nương nương trên thiên đình yêu và cưới nhau. Do thân phận kẻ tiên người tục nên họ phải chia tay nhưng vẫn luôn nhớ thương nhau. Cuối cùng, Vương mẫu cũng cảm động, đồng ý cho họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch, được gọi là ngày Thất tịch.
Mỗi năm một ngày, đàn chim ác tạo thành một cây cầu băng qua ngân hà đưa họ đến với nhau. Vào ngày này trời thường mưa rả rích, người ta gọi đó là mưa ngâu, đó chính là nước mắt của Ngưu lang và Chức nữ khi gặp lại nhau sau bao ngày xa cách.
Ngày lễ Thất tịch cũng đã tồn tại trong văn hóa người Việt Nam từ khá lâu. Truyện Ngưu lang Chức nữ hay sự tích ông Ngâu bà Ngâu lý giải vì sao trời thường mưa vào ngày này.
Trong câu chuyện của người Việt, chàng trai nghèo tình cờ gặp Chức nữ trong rừng khi nàng cùng các tiên nữ khác xuống hồ tắm. Bị chàng trộm mất đôi cánh tiên, Chức nữ không thể về trời và ở lại làm vợ chàng. Khi đã có con với nhau, một hôm khi chồng đi vắng, nàng phát hiện ra đôi cánh tiên của mình giấu trong thúng thóc, bèn đưa con chiếc lược dặn trao cho cha, rồi về trời mất.
Người chồng mang con lặn lội trải qua bao nhiêu khó khăn mới lên được cung trời tìm vợ, nhưng mối nhân duyên của họ không được nhà trời chấp nhận nên họ chỉ có thể lén lút gặp nhau. Luật trời cấm người trần ở lại thượng giới nên sau vài hôm, Chức nữ đành tiễn chồng con ra về. Cùng với cơm ăn đường, nàng đưa cho 2 cha con chiếc trống, dặn khi xuống đến nơi thì đánh để trên này biết mà cắt dây.
Dọc đường, con đói, người chồng mang cơm ra cho con ăn. Đứa trẻ làm cơm vãi lên mặt trống, đàn quạ sà vào mổ. Chức nữ nghe tiếng trống, cắt dây khiến hai cha con rơi xuống biển. Ngọc hoàng biết chuyện thương xót, cho đưa cả hai cha con lên trời, giao cho chàng trai công việc chăn trâu (vì thế chàng được gọi là Ngưu lang) ở bên kia sông Ngân. Ở bên này sông, Chức nữ ngày ngày dệt vải mà đau lòng nhớ chồng con. Mỗi năm họ chỉ được phép gặp nhau 1 ngày vào 7.7, đàn quạ phải đội đá bắc cầu cho họ. Ngày hội ngộ này vợ chồng Ngưu lang ôm nhau khóc nên trời mưa tầm tã...
Vì sao ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch?
Thất tịch vốn là ngày lễ quan trọng với người phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Trong ngày này, nhiều người kiêng cưới hỏi vì sợ gặp cảnh chia ly như Ngưu lang và Chức nữ. Thay vào đó, người ta thường đi chùa cầu duyên, cầu bình an và thuận lợi trong con đường tình duyên.
Đặc biệt vào dịp này, các bạn trẻ thường rủ nhau ăn các món từ đậu đỏ để cầu nhân duyên, mong sớm gặp ý trung nhân. Tuy đó chỉ là một lời kêu gọi vui vẻ, không nhiều người tin nhưng lại được các bạn trẻ hưởng ứng mãnh liệt, lan tỏa nhiều nơi. Vì thế, những năm gần đây cứ gần đến ngày 7.7 âm lịch là thanh niên độc thân bắt đầu rủ nhau ăn chè đậu đỏ hoặc chia sẻ công thức chế biến món ăn từ loại hạt này.
Theo quan niệm dân gian của nhiều nước phương Đông, đậu đỏ được xem là một vật mang lại nhiều may mắn bởi màu đỏ tương trưng cho sự tốt lành, vui vẻ, hạnh phúc. Mọi người cho rằng sự may mắn ấy cũng "ứng" với chuyện tình duyên nếu đậu đỏ được ăn vào ngày Thất tịch; món chè đậu đỏ sẽ giúp tình yêu đôi lứa thêm bền vững, người độc thân sẽ sớm tìm được ý trung nhân.
Cách nấu chè đậu đỏ cho ngày Thất tịch
Nguyên liệu: 340 gr đậu đỏ, 300 gr đường, 2 lít nước
Cách làm: Đậu đỏ cho vào thau nước để loại bỏ những hạt xấu, hạt lép nổi lên trên. Rửa sạch đậu rồi cho vào nồi áp suất cùng với 2 lít nước. Đun lửa to vừa cho đến khi nồi bắt đầu xì hơi (khoảng 10-12 phút) thì hạ lửa nhỏ. Đun thêm khoảng 3 phút rồi tắt bếp (nếu là bếp điện, còn với bếp gas thì đun khoảng 4-5 phút).
Mở nắp ra, cho đường vào, nấu thêm cho chè sôi lại và đường tan hết là được.
Theo VTC