Ngọc Bích dậy sớm mua hai cốc chè đậu đỏ để ăn thay cho bữa sáng 22.8 (ngày 7.7 âm lịch), với hy vọng "sớm có bạn trai".
Khi đến cơ quan, cô gái 27 tuổi ở quận Thanh Xuân nhận ra mình không phải là người duy nhất làm điều này. Nhiều nhân viên còn độc thân cũng rủ nhau ăn chè đậu đỏ, khiến cô gái ví đây giống như "ngày hội đậu đỏ".
Không rõ quan niệm "ăn đậu đỏ đúng ngày 7.7 âm lịch (ngày Thất tịch) để cầu duyên" có từ khi nào, nhưng ba năm qua, Bích đều ăn loại chè này. Ngoài chè đậu đỏ truyền thống, cô cũng thử thêm các món ăn khác như xôi, kem, trà sữa chế biến từ loại hạt này để "tăng hiệu quả".
"Miễn trong món ăn có thành phần đậu đỏ là được, biết đâu từ giờ đến cuối năm tôi lại lấy được chồng, bố mẹ cũng bớt than phiền, giục giã", Bích nói.
Thấy mạng xã hội ngập tràn các bài đăng về việc ăn đậu đỏ trong ngày 7.7 âm lịch sẽ gặp may mắn, sớm có người yêu, Xuân Mai (18 tuổi) ở quận Hoàng Mai rủ bạn lên phố Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm thưởng thức món chè đậu đỏ uyên ương. "Năm ngoái em cũng ăn chè đậu đỏ và đã có người yêu nhưng hiện đã chia tay. Năm nay em lại quyết tâm đi ăn", nữ sinh nói.
Thục Anh (30 tuổi) ở quận Đống Đa (Hà Nội) khẳng định mình không phải người mê tín nên không tin "ăn chè đậu đỏ có người yêu". Nhưng bạn bè xung quanh đều khuyên cô thử vận may bởi đã độc thân quá lâu. Thậm chí mới sáng sớm, bà Hồng Hạnh (mẹ Thục Anh) còn nấu sẵn chè, xôi và cháo đậu đỏ để con gái mang đi làm.
"Con nhà người ta 30 tuổi đã một nách hai con. Con nhà mình vẫn chưa ai để ý đến nên tôi cứ thử, bởi chẳng phải tự nhiên mà nhiều người lại chia sẻ về thông tin này", bà Hạnh tâm sự.
Ngày 7.7 âm lịch hay còn gọi là lễ Thất tịch gắn với truyền thuyết dân gian về chuyện tình đầy trắc trở của Ngưu Lang (chàng trai chăn trâu) và Chức Nữ (tiên nữ giỏi dệt lụa). Họ chỉ được Ngọc Hoàng cho phép gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7.7 âm lịch trên cầu Ô Thước. Từ đó, ngày này trở thành biểu tượng cho tình yêu đôi lứa.
Vài năm trở lại đây, cứ đến ngày này, mạng xã hội lan truyền thông tin nữ giới độc thân ăn chè đậu đỏ sẽ gặp may mắn trong việc tìm kiếm tình duyên, khiến nhiều người độc thân đổ xô đi mua.
Tuy nhiên theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết hành động ăn chè đậu đỏ trong lễ Thất tịch không có trong tục lệ văn hóa của người Việt mà du nhập từ Trung Quốc.
Theo đài truyền hình CGTN (Trung Quốc), trong văn hóa nước này vào ngày Thất tịch, nam giới tặng hạt hồng đậu (loại đầu màu đỏ tươi, có độc tính, không dùng làm thực phẩm) cho người yêu thay lời thủy chung, son sắt. Còn nữ giới đeo loại hạt này sẽ cầu mong hạnh phúc, tìm được người trong mộng. Nhưng do cách gọi "hạt hồng đậu" đồng âm với "hạt đậu đỏ" nên khi du nhập vào Việt Nam, nhiều người bị nhầm lẫn, cho rằng ăn hạt đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ tìm được người yêu, tạo ra trào lưu này.
"Nhưng xét về quan niệm dân gian, đậu đỏ có màu sắc rất đẹp, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc nên đó cũng có thể là lý do khiến nhiều người tin rằng khi loại hạt này có thể tăng may mắn, khiến mọi việc hanh thông, tình duyên thuận lợi", PGS.TS Lê Quý Đức giải thích.
Dưới góc độ truyền thông đại chúng, thạc sĩ Lê Anh Tú, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng ăn chè đậu đỏ hoặc các sản phẩm liên quan trong ngày Thất tịch là trào lưu mới xuất hiện trong khoảng vài năm trở lại đây. Hoạt động này được thúc đẩy bởi sự phát triển của mạng xã hội, đồng thời các chủ đề về người độc thân, các cách thoát "ế" ngày càng được quan tâm.
Khác với các trào lưu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần, ông Tú cho rằng việc ăn chè đậu đỏ vài ngày Thất tịch không xấu, ngược lại còn khiến nhiều người cảm thấy vui vẻ, giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, tạo thêm động lực và niềm tin trong cuộc sống.
Ngoài tác động đến mỗi cá nhân, thạc sĩ Lê Anh Tú cho biết trào lưu này còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh ẩm thực.
Mới đầu giờ sáng, anh Trương Trung Kiên (50 tuổi), tài xế giao đồ ăn, đã nhận đơn 50 cốc chè đậu đỏ từ Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm về đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. "Vào ngày oi nóng các loại chè truyền thống luôn đắt khách vì mát, nhưng đến đúng ngày Thất tịch thì 100% đơn đặt hàng của tôi đều có liên quan đến đậu đỏ. Nhiều thời điểm các quán không đủ hàng để bán", anh Kiên nói.
Chủ một cửa hàng chè có tiếng trên phố Hàng Cân cho biết khoảng ba năm trở lại đây, số lượng chè đậu đỏ bán vào đúng ngày Thất tịch khoảng 1.000 cốc, tăng gấp hai, ba lần so với ngày thường. Năm nay, nhu cầu còn được dự báo cao hơn nữa vì sau hai tiếng mở bán buổi sáng, quán đã bán gần 200 cốc, đa phần là khách gọi ship.
"Ngoài chè đậu đỏ truyền thống, nhiều khách hàng không thích ăn đậu cũng yêu cầu nhân viên cho thêm vài hạt để lấy may, mong tình duyên thuận lợi", chủ quán nói.
Tránh trường hợp mới quá trưa đã hết hàng như mọi năm, chị Giang, chủ cửa hàng chè tại phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy cho biết năm nay đã chuẩn bị sẵn 20 kg đậu đỏ ninh suốt đêm để phục vụ khách. "Sau ba tiếng mở cửa hàng, tôi bán được hơn 100 cốc, nhưng phải từ trưa đến đầu giờ chiều mới thời điểm nhiều đơn đặt chè đậu đỏ nhiều nhất", chủ cửa hàng nói.
Ngoài các cửa hàng bán chè lâu năm luôn tấp nập khách đến mua, khảo sát nhanh của phóng viên tại các chợ truyền thống ở các quận trung tâm, rất nhiều tiểu thương cũng bổ sung thêm chè đậu đỏ vào danh sách bán hàng trong ngày hôm nay.
"Ngày thường có bán cũng chẳng ai mua, nhưng biết lễ Thất tịch có nhiều người quan tâm tôi cũng muốn 'bắt trend', mong kiếm thêm thu nhập", chị Quỳnh Hoa, người bán xôi tại chợ Yên Hòa, quận Cầu Giấy nói.
Theo VnExpress