Vào đời với hai bàn tay trắng và con đường xa mờ phía trước, con người ta thể nghiệm được điều gì?
Hành trang vào đời của Tiến là mảnh bằng kỹ sư nông nghiệp đạt loại xuất sắc được ép plastic đặt cẩn thận dưới đáy chiếc vali mẹ mua tặng ngày mới lên đường vào thành phố ăn học.
Đường của Tiến đi là con đường khúc khuỷu. Tiến từng đi trên mây khi nhận được tin thi đỗ đại học. Hơn bốn năm sau anh trở về trong men say hạnh phúc tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa. “Trạng nguyên” vinh quy bái tổ không áo mão, cân đai, không xe giá đón đưa. Chỉ cần nàng đứng ở đầu làng đón Tiến cười tươi như hoa là đủ. Rồi những ngày Tiến hăm hở gõ cửa xin việc làm, đối tác trả lời bằng những cái lắc đầu quầy quậy. Tiến ấm ức, chán chường, tủi hổ… Những cung bậc cảm xúc của sự thất bại giày vò Tiến chẳng chút thương tiếc. Trong những ngày tận cùng của nỗi xót xa ấy, nàng lên xe hoa với một đại gia. Tiến như người tỉnh cơn mê, chợt xơ cứng trước cú sốc thế thái nhân tình và vụt dậy với chiếc balô trên vai.
Đứng trước cánh đồng cỏ mênh mông màu xanh lục non tơ như thảm nhung xõa dài xa tít chân trời reo vui trong mắt, Tiến nghĩ ngay đến đàn bò sữa bụ bẫm, các mục đồng thời công nghiệp ứng dụng di chuyển bằng xe điện điều khiển hàng trăm con bò màu trắng loang lổ vết đen thon thả gặm cỏ. Chàng nhớ nụ cười đẹp trên gương mặt khả ái và giọng nói thanh tao của cô giáo chủ nhiệm ở giảng đường đại học: “Rồi đây các anh chị sẽ là người đưa công nghệ giúp tăng trưởng bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giảm bớt gánh nặng cho người nông dân”. Niềm tin ngày ấy nay còn đâu? Có chăng chỉ là kỷ niệm của một thời đáng nhớ. Chàng như xạ thủ hai tay buông thõng trước những tấm bia cố định trong một cuộc thi. Những khẩu súng đặt trên giá chỉ để ngắm nhìn đam mê đôi tay không với tới. Tiến không trách người ấy vội vã lấy chồng khi kỳ vọng đáp số bằng thất vọng. Có bao nhiêu mối tình đầu đơm hoa kết trái như đôi lứa từng ước nguyện? Chàng bỏ lại sau lưng mẹ già và người chị vì lo cho chàng ăn học mà đã vuột đi tuổi thanh xuân. Thảo nguyên bao la như vòng tay mượt mà, bao dung đánh thức miền hoài niệm rằng trên đời này còn có rất nhiều hy vọng. Mỗi bước đường đời chỉ là thử thách. Nếu như trong tay chàng có cái dự án phát triển chăn nuôi ở vùng tài nguyên bất tận này thì những chú ngựa hồng lẻ loi kia không chỉ làm cảnh cho du khách chụp hình?
Cái bảng “trường đua ngựa” gần chỗ Tiến dừng chân còn mới cứng không biết nó được “đóng đinh” từ khi nào thật hoang phí. Nắng trải nhẹ lớp mật ong vàng ươm trên cỏ sương lóng lánh. Cái chớp mắt cũng đủ thấy nuối tiếc khi cảnh đẹp vụt qua. Những năm chàng mài đũng quần trên ghế nhà trường mong có một ngày tươi sáng như đồng cỏ rực lên màu kỳ ảo. Tiến căm ghét cái gương mặt núc ních, no đủ của gã trưởng phòng tổ chức hành chính ở cơ quan nọ: “Chúng tôi đang có kế hoạch tinh giản biên chế. Anh đi tìm việc nơi khác vậy!”. Ai cần dạy gã đi tìm việc nơi khác? Một thân thể cường tráng sức trai với tri thức sẵn có, Tiến không tự nuôi sống được mình hay sao? Đằng kia có những người miệt mài săn ảnh trên thảo nguyên, sát cánh với họ là dân làm dịch vụ ảnh “chụp là có ngay”. Tiến từng làm gia sư tiếng Anh trong những năm tháng bôn ba ở thành phố để giảm bớt áp lực kiếm tiền cho mẹ và chị.
Vào đời với hai bàn tay trắng và con đường xa mờ phía trước, con người ta thể nghiệm được điều gì? Trước hết là tìm kế sinh tồn. Người trí thức mà lao động phổ thông liệu có hơn gì dân bốc vác chuyên nghiệp? Tiến dừng bước trước mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) của một thanh niên còn trẻ hơn mình. Cái máu nông nghiệp của chàng trỗi dậy. Sau một hồi trao đổi giữa một bên là lý luận, một bên là thực tiễn, họ gặp nhau ở những điểm tương đồng. Đêm ấy Tiến ngủ ở chòi canh nuôi cá nước ngọt gần bên vườn cây trái lúc lỉu. Chàng trai nọ giữ Tiến ở lại cùng nhau phát triển VAC.
Mùa thu năm ấy, Tiến ngao du sơn thủy như cuộc tự thực tập chuyên ngành mà chàng được đào tạo. Đi đến đâu chàng cũng được những người nông dân mến mộ ở kiến thức chuyên sâu. Họ mời Tiến tư vấn những kiến thức mới về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Những tưởng bước chân phiêu du giúp chàng lãng quên nỗi niềm riêng. Ai ngờ kỷ niệm xưa còn ăm ắp trong ký ức. Nó đẹp lấp lánh như những viên kim cương cứ tưởng vùi vào lớp bụi thời gian là mất hút, là tan biến vào đất đá, là cuốn theo dòng nước trôi về biển cả. Đó là những ngày hè, Tiến cùng lũ bạn thân chinh phục núi Phượng Hoàng quê chàng. Đám con trai xung phong mang vác xoong nồi, chén bát, tăng mùng, thực phẩm leo núi, mệt nhoài vẫn ư hử hát để các nàng xinh đẹp chấm điểm về sức bền bỉ của đàn ông. Nơi lũ bạn dừng chân dựng những căn nhà vải mùng dã chiến mái vòm là thảm cỏ bằng phẳng lưng chừng núi. Tiến thích thú vươn vai, ngửa mặt lên trời hít thở bầu không khí trong lành nhất hành tinh rồi quay về phía núi cất lên tiếng hú như tiếng vượn hoang. Tiếng hú dội vào vách đá cheo leo vang vang, âm âm hồi lâu như tiếng loa nhái khuếch đại mở hết công suất, rồi các bạn đồng thanh tương ứng như những phát súng liên thanh vui tợn. Họ bày ra những đặc sản mang theo, nhóm bếp nấu nướng, ăn uống, ca hát vui say. Những cặp đôi phải lòng nhau từ cuộc dã ngoại đầy thú vị. Họ không ngần ngại đến với nhau khi men rượu trở thành bà mối dạn dĩ, hoạt ngôn. Các nàng ngả đầu vào bờ vai của những người đàn ông vừa đủ quyền công dân để nói chuyện yêu đương. Em Nhung ngày thường hay tếu táo như cánh con trai hôm nay bỗng dưng dịu dàng, đắm đuối: “Em biết anh Tiến ngồi bàn học phía sau không tập trung nghe cô giáo giảng bài mà cứ nhìn chòng chọc vào sau gáy nõn nà có những cọng tóc non tơ của em, đúng không?”. Chàng không biết Nhung nói hay rượu nói mà chính xác đến mức chỉ biết cười chữa thẹn. Đó là cuộc dã ngoại năm cuối lớp 12 niên học sau cùng để rồi sau đó mỗi người chọn cho mình một con đường thi cử “học tài thi phận”. Ngày tiễn Tiến lên đường nhập học, lúc xe chuẩn bị khởi hành, Nhung nói như khóc: “Em sẽ một lòng chờ đợi anh đến ngày tốt nghiệp trở về. Sẽ chung thủy với anh suốt đời, mãn kiếp”. Những câu nói mà bây giờ lớp trẻ gọi là “ngôn tình” nghe sến sẩm nhưng khi ấy Tiến thấy lòng ấm áp vô cùng. Nhung đã truyền vào Tiến một niềm tin. Nhiều năm học tập nơi phồn hoa đô hội có biết bao bóng hồng trước mắt vẫn không làm chàng thay lòng đổi dạ.
Tiến da diết nhớ những ngày đông mưa trắng trời, cha với chiếc xuồng lắc lư trên đồng buông lưới bén đón cá từ sông lên đẻ lứa đầu tiên. Chị Tiến co ro trong chiếc áo tơi lá xách giỏ cơm rón rén đi trong màn mưa tìm cha. Cha Tiến giăng lưới xong là tìm lũy tre tấp xuồng vào trú mưa. Chị cứ nhắm lũy tre mà tiến tới. Cha về cõi vô cùng, chiếc xuồng và mấy tay lưới trở thành vật kỷ niệm. Có bao nhiêu người hỏi mua vật dụng hành nghề đánh cá đồng nhưng mẹ kiên quyết không bán: “Thằng Tiến nhà tôi rất yêu nghề lưới bén của cha. Biết đâu sau này nó còn dùng đến”. Người muốn mua lưới bật cười khanh khách: “Con của bà đang học đại học. Sau này nó là kỹ sư, còn hành nghề lưới bén hay sao?”. Mẹ chàng tự vỗ tay vào trán bật lên tiếng cười hì hì: “Ừ nhỉ! Nó là kỹ sư mà còn thời gian nào đi đánh cá đồng?”. Rồi mẹ tự vớt vát cho chính mình: “Bán bao nhiêu tiền rồi chi tiêu cũng hết, cứ giữ nguyên xuồng, lưới lại đó cho thằng nhỏ nhìn mà nhớ đến cha mình”. Mẹ và chị đặt hết niềm tin vào chàng vậy mà chàng đã làm cho những người thân yêu của mình thất vọng và lo lắng.
Tiến lại lên đường trong sự nuối tiếc của những người nông dân đang năng động xoáy theo cơn lốc thị trường. Nơi Tiến đến là bãi ngang ven biển miền Trung ngút ngàn hồ nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước lợ. Chàng hướng dẫn cho mọi người ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát biển với giải pháp không làm ô nhiễm môi trường. Vào những đêm trăng sáng, bên ánh điện trên bờ hồ vuông tôm, chàng kỹ sư trẻ hào hứng giảng giải kỹ thuật nuôi tôm cho những nông dân đang khao khát làm giàu. Họ như nuốt lấy từng câu nói truyền cảm pha chút hóm hỉnh của chàng. Họ ngấm ngầm hùn hạp trả tiền công cho chàng bốn tháng liền để thể nghiệm cách nuôi tôm theo sự hướng dẫn của chàng.
Điều níu chân chàng ở lại với làng chài không phải vì số tiền công hậu hĩnh mà vì tình người. Mỗi ngày, mỗi người luân phiên nhau chiêu đãi chàng một bữa với các món hải sản độc đáo. Bài “Trách Phận” cũng là một đặc sản xứ biển đối với chàng: “… Chớ hầu nào trái chuối chín cũng cắn làm ba, trái cam tươi cũng cắn làm bốn, nửa trái cà cũng cắn làm năm. Chớ bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm, em bỏ qua hiu quạnh mà năm canh qua một mình. Tui bây giờ khóe mắt sao cứ rung rinh, giọt lệ sầu, giọt lệ thảm ở trong bình nó tuôn ra…”. Lời hát rên rỉ đậm chất bi hài của một trung niên có gương mặt khắc khổ tự dưng làm chàng nhớ Nhung quay quắt. Nàng bây giờ chắc là sống trong nhung lụa, cao sang? Tiến không giận Nhung, chàng chỉ giận mình.
Vụ tôm rồi cũng đến lúc thu hoạch. Chao ôi, hàng loạt hồ tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao không tưởng. Tiếng reo vang khi từng mẻ tôm được kéo lên. Người ta xúm lại công kênh chàng ngay trên bờ bãi. Những phong bì tiền dày cộp được các chủ hồ tôm nhét vào túi áo, túi quần Tiến khiến chàng ngại hơn là vui sướng. Mấy chục hộ gia đình nuôi tôm bày tiệc ăn mừng. Họ mời Tiến đến dự cuộc vui cho bằng được. Những cuộc vui nối tiếp nhau khiến cho chàng còn nấn ná với làng chài dẫu vụ tôm đã kết thúc.
Hơn một lần chàng tiếp xúc với những người lạ mặt. Họ ăn mặc bảnh bao, đi xe ô tô tiền tỷ và cách nói chuyện nhẹ nhàng, tình cảm. Người đàn ông đứng tuổi cao ráo có bộ râu quai nón nở nụ cười thân thiện: “Chú rất ngưỡng mộ cháu, một kỹ sư trẻ tài năng. Bọn chú thuê đất dọc làng biển để nuôi tôm thẻ chân trắng. Dự án nuôi tôm công nghệ cao đã được tỉnh phê duyệt. Công ty Nông lâm công nghệ Cao Thuận Phát của bọn chú mời cháu làm trưởng phòng nghiệp vụ. Tiến giúp chú một tay nhé”. Chàng ngỡ ngàng nhìn những vị khách sang trọng không mời mà tới: “Ô, sao chú biết cháu là kỹ sư nông nghiệp?”. Người đàn ông nở nụ cười nháy mắt nhìn về phía gã tài xế. Anh chàng lái xe không nói không rằng đi thẳng về chiếc ô tô đậu gần đó cầm đến tờ báo còn mới cứng trao cho người đàn ông đứng tuổi. Ông ta lật ngay trang đầu, miệng cười hì hì: “Cháu đọc thử xem”. Tiến đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cái tít của bài phóng sự: “Cuộc phiêu lưu của chàng kỹ sư nông nghiệp” đập ngay vào mắt chàng. Cảm xúc dâng trào. Chàng không thể ngờ có một phóng viên nào đó mang tên Trần Quang lại hiểu về chàng một cách tường tận như thế, lại còn có cả những tấm ảnh chụp chàng đứng bên thảo nguyên, bên những hồ nuôi cá nước ngọt trông rất phong trần.
Gấp tờ báo lại chàng thấy mình chơi vơi giống như cái cảm giác ngày xưa chàng nhận giấy báo thi đỗ đại học. Ngay khi ấy chiếc ô tô mang biển số màu xanh từ từ dừng lại. Từ trên xe bước xuống hai người đàn ông xăm xăm tiến về phía Tiến. Chàng sững người khi thấy gã có gương mặt núc ních. Gã chủ động đến gần đưa hai bàn tay ra cầm tay Tiến cúi đầu, lí nhí: “Chú Tiến tha lỗi cho anh nhé. Ngày ấy anh thật vô tâm với em”. Chàng chưa biết đối đáp thế nào thì người đàn ông đi theo đã nhìn người đại diện Công ty Nông lâm công nghệ Cao Thuận Phát nói cười rổn rảng: “Chà! Chà! Tôi tham mưu lãnh đạo phê duyệt dự án nuôi tôm cho ông rồi, giờ ông tính bắt cóc luôn kỹ sư Tiến đó hả? Tôi đề xuất cấp có thẩm quyền thu hút cậu ấy về làm việc theo diện nhân tài rồi. Ông có muốn cậu ấy tư vấn cho việc nuôi tôm thì vận dụng thời gian ngoài giờ làm việc. Như vậy là huề cả đôi đường nhé”. Mọi người cùng cười phá lên.
Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG