Truyện ngắn

Chống lũ

ĐINH NGỌC HÙNG 21/09/2024 10:00

Vượt qua những khó khăn sau bão lũ, cuộc sống sẽ sớm ổn định trở lại và nhiều vùng đất sẽ hồi sinh.

00:00

Minh họa truyện ngắn

Gió bắt đầu thổi mạnh, mưa lắc rắc rơi. Ông Loan vừa từ ngoài đồng về ngó ra thấy mưa gió đứng ngồi không yên. Trong bếp, vợ ông đang tất bật chuẩn bị bữa tối.

- Bà nấu cơm đi, tôi ra ngoài một lát.

Bà Miên lo lắng hỏi:

- Ông còn đi đâu vào lúc mưa to, gió lớn thế này? Cả ngày dầm mình ngoài đồng rồi vẫn chưa đủ mệt à? Ông nên nhớ có tuổi rồi đấy, không còn như thời trẻ đâu.

Ông Loan mặt lo âu:

- Tôi đi kiểm tra cây cối trong vườn thôi. Dù không còn trẻ thì bão đến vẫn phải chống. Tôi là nông dân thứ thiệt, bao năm đối mặt với bão lũ rồi còn lạ gì.

Nói rồi ông Loan bật dậy, khoác áo mưa, lật đật đi ra vườn.

Trước nay, ông Loan vẫn được biết đến là người tích cực trong hoạt động cộng đồng của thôn. Đợt này, ông được thôn cử tham gia lực lượng chống bão lũ và tuần tra, canh gác. Những ngày qua, tổ của ông cùng các ban, ngành, đoàn thể của thôn đã họp để triển khai, đối phó với cơn bão số 3 cũng như lũ lụt xảy ra sau bão.

Vợ chồng ông Loan hiếm hoi chỉ có một con trai duy nhất là Hòa đang là bộ đội biên phòng công tác tại Lào Cai. Nghe tin bão sắp đổ bộ vào quê mình, mấy ngày qua, Hòa liên tục gọi điện về dặn bố mẹ và vợ chuẩn bị phòng chống bão cẩn thận. Anh bảo, đơn vị ở trên này trực 24/24 giờ để giúp dân ứng phó với bão lũ. Hương, vợ Hòa là giáo viên trường cấp 2 của xã. Hôm nay Hương cũng đang cùng các giáo viên gia cố trường lớp chưa về. Hai vợ chồng Hương, Hòa lấy nhau năm ngoái. Vợ chồng ông bà Loan vẫn mong sớm có đứa cháu ẵm bồng.

Mặc dù từ mấy ngày nay ông bà Miên đã chằng buộc từng gốc bưởi, hồng xiêm, chống từng buồng chuối, cắt tỉa bớt nhãn, xoài… nhưng vẫn nóng ruột. Dự báo, cơn bão số 3 lần này đổ bộ vào đất liền, tâm bão sẽ đi qua tỉnh Hải Dương với sức gió rất mạnh. Đời ông trải qua biết bao trận bão kinh hoàng nên hiểu rõ hơn ai hết sức tàn phá ghê gớm của nó.

Trưa hôm sau mưa xối ào ào. Trước diễn biến bất thường của cơn bão, ông Loan và lực lượng phòng chống lụt bão đã trực tại nhà văn hóa thôn từ sáng sớm. Gió lớn khiến hàng cây phi lao trên trục đường chính của thôn đổ ngổn ngang.

Ông Loan gọi điện về dặn bà Miên. Nhưng ông biết dặn thì dặn vậy chứ nhìn bão oanh tạc, bà Miên thế nào cũng nhào ra vườn.

Gió bão quần thảo làm vườn chuối trước nhà đổ rạp. Những trái bưởi rụng lăn lóc trên đất. Một cây xoài lâu năm bật gốc làm đổ toàn bộ dãy tường bao.

Bữa cơm sum họp sau bão của gia đình ông Loan khá trầm lắng. Mọi người ăn vội, ăn vàng rồi ai vào việc ấy. Bà Miên ngồi đờ đẫn nhìn vườn tược tan hoang, lo lắng nói:

- Không biết khu vực đơn vị thằng Hòa đóng quân có bị ảnh hưởng gì không?

*

Sau khi càn quét Bắc Bộ, gão Yagi tiến vào vùng núi Tây Bắc, gây mưa lớn. Ở Lào Cai lũ quét nhanh chóng xuất hiện trên nhiều địa phương. Lũ quét đã vùi lấp cả Làng Nủ khiến nhiều người chết và mất tích. Cùng với lũ quét, gần trăm bản làng vùng cao của Lào Cai đã bị lũ cô lập.

Nhận được thông tin sơ bộ về thôn Tả Phìn Chải đã bị nước lũ cô lập và có người bị nước cuốn trôi, đồn biên phòng nơi Hòa đóng quân đã họp khẩn, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trời còn mờ tối, Hòa cùng gần hai chục cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mang phương tiện, dụng cụ cần thiết cơ động vào thôn Tả Phìn Chải nơi đã bị nước lũ cô lập.

Từ đồn biên phòng đóng quân đến thôn Tả Phìn Chải phải vượt qua quãng đường hơn 10 km. Trời mưa, đường sạt lở, Hòa và các cán bộ, chiến sĩ phải đi bộ qua nhiều đoạn đường núi sạt trượt. Tới làng, một khung cảnh đáng sợ bày ra trước mắt. Sườn núi phía sau sạt một vùng lớn, vùi lấp một số nóc nhà. Toàn thôn đang bị nước lũ bủa vây.

- Các đồng chí, hãy nhanh chóng tản ra cứu dân, cứu người bị nạn. Dù khó khăn cũng phải sơ tán bằng được người dân đến nơi an toàn.

- Rõ!

Sau mệnh lệnh của thủ trưởng Quang, các chiến sĩ chia thành từng nhóm tỏa đi khắp bản cứu người. Nhóm của Hòa được lệnh đi về phía suối cứu giúp những người mắc kẹt.

- Các đồng chí bộ đội cứu chúng tôi. Cứu chúng tôi với.

Tiếng kêu thất thanh khiến Hòa và các chiến sĩ trong đội tìm kiếm bên suối khựng lại. Ở bên kia, bốn người dân đang bị cô lập giữa dòng nước xiết. Giữa sự sống, cái chết, bốn người dân gặp nạn bíu chặt những bụi cây cũng đang oằn mình giữa dòng nước lũ. Hòa và các chiến sĩ hết quăng dây thừng để các nạn nhân bám vào rồi bơi ra dìu vào bờ còn dùng cả can nhựa làm phao nhưng đều không thành công vì nước lũ dâng cao, chảy mạnh. Chỉ một lúc, lũ đã ngập quá đầu người, chảy xiết, khiến tất cả đều kiệt sức.

- Mọi người hãy hỗ trợ tôi cứu dân.

Trước tình huống nguy cấp, Hòa với sợi dây thừng buộc cố định một đầu vào gốc cây rồi anh nhào ra mép nước chảy xiết ném đầu dây còn lại buộc vào chiếc săm ô tô đã được bơm căng cho các nạn nhân. Giữa sự sống và chết, các nạn nhân buông ngọn cây bám lấy chiếc săm ô tô. Ngay lập tức Hòa và các chiến sĩ ghì chặt sợi dây thừng gồng mình kéo. Dòng nước lũ như muốn kéo cả đoàn người xuống suối. Bàn tay kéo dây thừng của các chiến sĩ đã rơm rớm máu.

Ông Lường Văn Nương, một người dân sau khi được cứu thoát cứ nắm chặt tay Hòa giọng nghẹn lại vì xúc động:

- Cảm ơn các anh bộ đội đã cứu chúng tôi.

- Các đồng chí làm tốt lắm - Chỉ huy Quang nắm chặt tay Hòa và từng chiến sĩ. Như các đồng chí đã biết, lũ quét đã vùi lấp cả Làng Nủ khiến nhiều người chết và mất tích. Hiện bộ đội và các lực lượng chức năng vẫn đang tổ chức tìm kiếm. Đơn vị chúng ta được lệnh chi viện đến Làng Nủ để phối hợp với các đơn vị bộ đội khác tìm các nạn nhân còn mất tích. Các đồng chí đã sẵn sàng lên đường chưa?

- Sẵn sàng. Sẵn sàng.

*

Lũ về cùng với mưa. Mưa như thể biển Đông có bao nhiêu nước đều đem trút hết xuống đất liền. Ông Loan lại cùng lực lượng phòng chống lụt bão tuần tra, canh gác, bảo vệ sự cố đê điều cả ngày lẫn đêm. Do lũ trên sông Thái Bình lên nhanh, huyện yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch rau màu ngoài đê, chằng chống bảo đảm an toàn các lồng cá trên sông. Đơn vị bộ đội sau khi giúp dân khắc phục hậu quả của bão, giờ lại xung kích giúp dân thu hoạch dưa hấu, ngô… ngoài bãi sông, neo buộc các lồng cá và trực hộ đê.

Nhiều ngày mất ngủ, mắt ông Loan đã thâm quầng. Tuy vậy, ông cùng mọi người trong lực lượng chống bão lũ và tuần tra, canh gác vẫn chia nhau chốt chặt ở từng vùng trọng yếu suốt ngày đêm để dò tìm mạch đùn, mạch sủi. Vị trí tối nay ông Loan canh gác là một điểm lúc chiều xuất hiện vùng nước đục. Đây rất có thể là một sự cố tiềm ẩn chưa phát lộ. Nửa đêm, nước sông vẫn tiếp tục lên. Hai mắt chỉ muốn díp chặt sau nhiều đêm mất ngủ nhưng đèn pin của ông Loan vẫn chăm chú rọi vào vạt cỏ có vũng nước đục. Bỗng “ục”… “ục”… rồi “soạt”… Một vùng chân đê sạt xuống để lộ một khoảng nâu thẫm lẫn những mạch nước sủi tăm.

- Báo cáo có điểm sạt. Báo cáo có điểm sạt.

Tiếng ông Loan vang xa cùng tiếng còi báo động. Lực lượng hộ đê ào tới chỗ ông Loan với cuốc, xẻng và bao tải.

- Các lực lượng khẩn trương hộ đê.

Theo sự chỉ đạo của đồng chí chỉ huy, từng bao đất nhanh chóng được xúc đầy vào bao tải. Ông Loan và lực lượng xung kích hộ đê cùng các chiến sĩ bộ đội khom người quai các bao đất lên vai rầm rập vác chạy xuống chỗ sạt lở. Hơn tiếng sau toàn bộ chỗ sạt lở đã được gia cố bằng các bao tải đất chắc chắn.

Sau một đêm trực xử lý sự cố đê, sáng nay, ông Loan tranh thủ đảo qua nhà. Thấy chồng về bà Miên cuống quýt:

- Ôi, ông về đây rồi. Ông mau giúp tôi thu dọn đồ đạc còn chạy lũ. Người ta bảo, mưa lớn nên mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong làng người ta đã di chuyển đồ đạc, sơ tán người già trẻ con rồi.

Ông Loan ngạc nhiên:

- Bà và mọi người nghe thông tin nhảm nhí đó ở đâu vậy?

Bà Miên bực bội:

- Ông mang tiếng trực hộ đê mà chẳng biết gì. Người ta nói đầy trên mạng kia kìa. Sáng nay, thiên hạ người ta đổ xô đi mua đồ tích trữ, giá tăng vọt. Tôi chen mãi mới mua được vài món. Người ta còn bảo, ở thành phố và mấy huyện lân cận đã xảy ra sự cố vỡ đê.

Ông Loan lắc đầu:

- Chết thật. Đó đều là thông tin sai sự thật. Mọi người cần cập nhật, theo dõi tình hình mưa lũ từ những nguồn tin chính thống chứ.

Vừa lúc Hương đi làm về. Trên xe treo hai con cá chép to. Thấy bố mẹ chồng trò chuyện, Hương cũng góp lời:

- Bố con nói đúng đấy. Toàn thông tin đồn thổi, sai sự thật thôi. Công an tỉnh đã triệu tập và xử lý một số đối tượng tung tin đồn thất thiệt về mưa lũ, vỡ đê rồi đấy.

Bà Miên thở phào:

- Thế thì tôi yên tâm rồi.

Hương đặt hai con cá xuống chiếc rổ mẹ chồng vừa mang ra nói:

- Anh Hòa đã tranh thủ liên lạc cho con rồi. Anh bảo con báo với bố mẹ là anh và mọi người trong đơn vị vẫn an toàn. Đơn vị anh ấy đang chi viện đến Làng Nủ để phối hợp với các đơn vị bộ đội tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích và mang lương thực vượt rừng cứu trợ các bản làng vẫn bị mưa lũ cô lập.

Bà Miên thở phào:

- Vậy là tôi yên tâm rồi. Thế còn chỗ cá này. Mỗi con dễ đến 5 cân. Nhà mình chỉ có ba người, sao mua nhiều vậy con?

Hương nắm tay mẹ:

- Cá này là tập thể giáo viên trường chúng con mua giúp bà con nông dân nuôi cá lồng bị ảnh hưởng do bão.

Ông Loan bày tỏ:

- Truyền thống của người Việt Nam ta vốn vậy đó. May mắn là thằng Hòa đã báo tin về bình an. Lũ rút, cuộc sống sẽ dần ổn định. Chẳng mấy chốc cánh đồng kia lại mơn mởn xanh tươi. Lần này Hòa nghỉ phép ông bà chỉ mong sớm có cháu bế thôi.

Ông Loan nhìn xa xăm và ước gì bầu trời sẽ luôn bình yên như những ngày không bão, gió.

ĐINH NGỌC HÙNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống lũ