Truyện ngắn

Vầng trăng xưa

NGUYỄN THU HẰNG 28/09/2023 19:32

Anh ngước mắt nhìn lên trời, chợt thấy vầng trăng tròn như trái bưởi đang vằng vặc giữa trời. Ôi, vầng trăng xưa, vầng trăng mà bao năm ra phố anh không được ngắm lại bao giờ.

minhhoatruyenngan1.jpg
Đang ngồi uống nước với bác Khương trong phòng khách, Tuấn chợt nghe tiếng trống ếch rộn ràng, cả tiếng trẻ con cười nói, tiếng bước chân chạy theo tiếng trống rất gần. Nhìn ra ngoài trời thấy ánh trăng mờ mờ. Ánh điện sáng đầu ngõ soi rõ một đoàn múa lân đang rẽ vào ngõ nhà bà Vân. Đoàn trẻ con đi sau rồng rồng rắn rắn. Tuấn ngẩn người, chợt nhớ đã đến Trung thu rồi.

Nghe tiếng trống, bác Khương nói:
- Là đội thiếu nhi của thôn biểu diễn đấy. Mấy năm nay, bọn trẻ con hăng hái tập múa lân lắm. Làng có anh Trường còn ủng hộ cả một bộ trang phục múa lân cho đội thiếu nhi. Thế là năm nào cũng tổ chức Tết trung thu. Chúng đi múa từ mấy ngày trước rồi. Làng to múa trước mấy đêm mới vui và mới đi tới từng nhà được.
- Ở quê mình thế mà vui! Trên chỗ em, tối Trung thu thì có thể cho trẻ con ra phố xem múa lân. Cũng có phố tổ chức ăn uống nhảy múa hát hò. Các gia đình tự đóng tiền vào làm Trung thu. Toàn nhà cao tầng, đêm rằm, phải nghển mãi may ra mới trông thấy trăng.
Tuấn lấy vợ trên phố. Vợ Tuấn bán hàng tạp hóa, đông khách còn phải thuê người làm nên Tuấn đã bỏ việc cơ quan theo vợ lên phố buôn bán. Từ thành phố về quê đi xe mất chừng nửa giờ đồng hồ, nhưng đến sáu tháng nay Tuấn mới về vì mai có giỗ bố đẻ. Chiều nay Tuấn về trước còn bàn việc sắp xây mộ các cụ và tới tháng mười này sang cát cho bố. Ông cụ mất cũng đã năm năm nay. Nhà có hai anh em trai, cô em gái út thì lấy chồng xa bảo mai mới về được. Vợ Tuấn, Hạnh cũng bận bán hàng ngập mắt, chỉ kịp sắp cho Tuấn thùng hàng gồm bánh kẹo, hoa quả… để mai thắp hương. Hạnh nói phải gần trưa mai mới về được. Hai đứa con thì đứa đi đại học, đứa đang học cấp ba cũng kín lịch.

Hai anh em đã bàn tính mời đại diện họ hàng nên làm ba mâm cỗ. Còn việc sang cát cho ông cụ, sẽ phải cử người đi coi thầy xem ngày nào đẹp để nâng dậy tắm rửa rồi đưa ông cụ lên nhà mới, trù liệu cỗ bàn, mời mọc, bác Khương đã lên kế hoạch. Bác Khương bảo Tuấn nghe và cho ý kiến. Tuấn thấy các kế hoạch khá rõ ràng nên đều thuận theo. Duy chỉ có cái chỗ đất xây mộ cho ông cụ thì hơi chật. Tuấn hỏi:
- Sao không làm cái sân phía trước mộ cho rộng để còn có chỗ cho con cháu ra ngồi cúng lễ mỗi khi thanh minh, giỗ chạp?
Bác Khương xua tay:
- Thôn họ không cho xây sân rộng như thế. Xây vậy là lấn chiếm lối đi của mọi người.
Tuấn thắc mắc:
- Ai đứng ra không cho nhà mình xây cái đó?
- Cán bộ thôn. Đứng đầu là cô Đào, trưởng thôn.
Tuấn ngạc nhiên:
- Cô Đào nhà ông Mộc á?
- Chẳng Đào nhà ông Mộc thì còn Đào nhà ai nữa. Cô Đào bạn thân chú xưa ấy đấy.
Bác Khương đi vào bếp cắm siêu nước mới.

Lúc còn tuổi thanh niên, Tuấn và Đào cùng trong ban phụ trách thiếu nhi. Mỗi tối ra nhà văn hoá cho thiếu nhi tập hè, Tuấn hay lượn xe ra đón Đào. Có hôm trời tối, xe đạp loạng choạng, Tuấn còn đâm vào bụi chuối, hai người ngã lăn vào vệ cỏ, quần áo dính đầy bụi bẩn, nhựa chuối mà Đào vẫn cười không hề giận dỗi gì Tuấn. Bọn trẻ con trong làng còn chế Tuấn - Đào là một đôi. Đào khi ấy mười tám còn Tuấn hai mươi. Cả hai vẫn còn quá trẻ nhưng không phải là không cảm nhận được tình cảm dành cho nhau. Tuấn đi làm ở công ty điện tử còn Đào vẫn ở nhà học cắt may và làm vườn với bố mẹ. Nhà chỉ có một mình Đào nên bố muốn con gái ở nhà và lấy chồng trong làng. Khi biết Đào kết thân với Tuấn, ông cụ đã đánh tiếng với bà cô họ Tuấn rằng nếu hai đứa yêu nhau ông sẽ cho cưới ngay tháng tám này mà không cần thách hỏi gì. Quê Tuấn có tục thách cưới ngoài các mâm lễ từ dạm ngõ đến ăn hỏi, dẫn cưới ra thì còn có lễ đen vài chục triệu đồng là chuyện thường. Tùy điều kiện gia đình nhà trai và cũng tùy nhà gái thách cưới. Bố Đào còn bảo sẽ tài trợ toàn bộ bưởi tráng miệng cho gia đình bên ấy vì ông trồng tới nửa mẫu bưởi trên đồng.

Bưởi nhà Đào ngon có tiếng, hình dáng lại to tròn, vỏ hanh vàng rất đẹp để bày mâm cỗ Trung thu. Cứ đến gần rằm tháng tám là các chủ buôn đổ về lấy đi đổ khắp nơi. Đào được bố đào tạo nên có khá nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc bưởi. Ngày nào Đào cũng ra ruộng cùng bố mẹ hết nhặt cỏ đến bón phân, tỉa lá, phun bắt sâu. Công việc đồng ánh không làm cho làn da trắng trẻo của Đào đen đi mà nó còn làm cho Đào hồng hào, rắn rỏi hơn. Có nhiều tối tập thiếu nhi, Đào còn mang mấy quả bưởi ra bổ cho tụi trẻ con và các bạn ăn lúc giải lao. Bọn trẻ con còn gặm cả cùi bưởi. Tuấn chỉ thích nhìn Đào bổ bưởi. Quả bưởi trong tay Đào đẹp như vầng trăng thu trên trời đêm. Tuấn ước mùa hè kéo dài mãi như thế...
Nhưng rồi, mùa hè cũng qua và Trung thu cũng đến. Mâm cỗ trông trăng năm ấy có chú gấu làm bằng bưởi nhà Đào, có bông hoa được tỉa từ quả đu đủ, có lồng đèn làm từ quả bí đỏ bày trên mâm cỗ trông rất đẹp mà Tuấn mãi chưa tan ca. Đào, Hoa, Dũng và lũ trẻ con cứ ở ngoài sân kho múa hát hết bài này đến bài khác, rồi rước đèn quanh mâm cỗ, gõ trống phách ầm ĩ cả đêm rằm. Trăng rằm mỗi lúc một lên cao, sáng vằng vặc. Nhìn ánh mắt đứa trẻ nào cũng sáng lấp lánh như có ánh sao. Đào và Hoa, Dũng chơi với bọn trẻ khá lâu để đợi Tuấn về.
Gần chín giờ tối Tuấn mới về tới sân kho. Nhưng Tuấn không đi một mình. Tuấn đi con xe máy mới cứng và phía đằng sau là một cô gái tóc nhuộm vàng buộc đuôi ngựa vểnh cao. Cô gái mặc quần soóc ngắn và áo kim tuyến đen hai dây. Cô có đôi môi đỏ chót, đến mắt cũng tô đuôi hồng. Bọn trẻ con vây lấy Tuấn và cô gái khi cô gái phát cho mỗi đứa một ít kẹo cao su. Đào và hai người bạn thanh niên trong làng cố tỏ ra thân thiện với bạn của Tuấn. Đào vẫn nói chuyện với Tuấn và cô gái, vẫn chia bánh kẹo cho tụi trẻ con trong làng nhưng lòng cô như trái dưa hấu đã vỡ toác ra. Đào cảm thấy nó đang tứa từng giọt máu. Mười giờ lũ trẻ lác đác về. Tuấn xin phép bọn Đào đưa bạn gái về phố. Đào ở lại, lùi lũi nhặt những vỏ bưởi, vỏ bánh kẹo vứt vào bao. Hoa nhìn thấy vẻ thẫn thờ của Đào, nói vu vơ:
- Sao anh Tuấn lại có thể làm như thế được chứ?
Đào thở dài:
- Sao anh ấy lại không làm như thế được...
- Chẳng phải là mày với Tuấn rất quý nhau sao? Tao những tưởng là hai người đã thích nhau rồi. Đã yêu nhau rồi cơ.
- Tao với Tuấn thì cũng như mày với Tuấn ấy.
- Như thế nào được. Nếu biết anh ta thay đổi thì chúng mình đã chẳng chơi với anh ta rồi.
- Đừng nói tới chuyện này nữa.
Dũng bê bao rác mang ra đường để đúng chỗ quy định cho hôm sau đội vệ sinh đến chở rồi quay vào giục hai cô bạn gái:
- Khuya rồi, hai cậu có đi về không thì bảo?
Đào nhìn trăng. Hoa cũng nhìn trăng rằm, còn Dũng nhìn hai cô bạn, cười:
- Có gì cứ từ từ buồn, giờ thì về ngủ đã. Thế là đã qua một Trung thu. Sắp tới hai cậu có kết nạp thêm ai vào đội mà phụ trách thiếu nhi cùng các cậu chứ tôi sẽ đi bộ đội đấy. Còn anh Tuấn đẹp giai kia thì chắc là không còn thời gian cùng chúng ta chơi với bọn trẻ con rồi.
Sau đó nửa tháng, Dũng nhập ngũ. Tuấn không còn tối tối ra nhà văn hoá chơi với bọn Đào nữa mà còn mải đi chơi với cô gái trên phố. Bố Đào không thấy Tuấn sang chơi, lại nghe đồn Tuấn yêu con gái nhà buôn bán trên phố thì hỏi Đào:
- Con làm gì mà hai đứa lại thôi nhau thế?
Đào bực bội:
- Con với anh Tuấn chưa có gì. Từ giờ bố đừng nhắc tới anh ta nữa.
Nói xong Đào chúi đầu vào gốc bưởi nhổ cỏ.
Đầu năm mới thì Tuấn cưới vợ. Đám cưới có xe hoa rước dâu đầu tiên trong làng. Hôm cưới Tuấn, Đào và đám bạn vẫn đi ăn cỗ. Lúc đón dâu, Đào và cái Hoa không đi mà đi ra vườn bưởi. Đào bổ bưởi đãi cái Hoa:
- Sao mùa xuân bưởi mới ra hoa mà nhà mày thì có bưởi ăn quanh năm vậy.
- Giống bưởi quanh năm đấy. Phải trồng bưởi trái vụ mới cho thu hoạch cao. Bố tao bảo sẽ cho tao đi học lớp trung cấp nông nghiệp để về giúp bố mở rộng vườn cây. Không chỉ là bưởi, rồi nhà tao sẽ chuyển đất cấy lúa sang trồng cam, trồng ổi.
Ba tháng sau, Đào lên trường nhập học.
Tuấn lúc đầu hay về quê, sau vợ sinh con và mở rộng buôn bán thì ít về, cũng không tiện hỏi tin tức về Đào nữa. Vì có một lần hỏi thì anh Khương gắt:
- Hỏi về nó làm gì, ngày trước có phải chú bỏ nó trước không?
Tuấn cãi:
- Bọn em chưa có gì, chỉ chơi thân thôi.
- Chẳng phải nếu chú không gặp thím Kim thì có khi chú đã lấy cái Đào rồi đấy chứ. Không có duyên nợ từ giờ đừng hỏi tới nó nữa, để cho nó còn lấy chồng.
Từ đấy, Tuấn không hỏi nữa. Vô tình nghe được chuyện gì về Đào thì biết thôi, không hỏi nữa, và Tuấn cũng dần quên Đào. Tuấn cũng ít về quê hơn khi bố mẹ lần lượt theo nhau về với tổ tiên. Đào đã như một dĩ vãng mờ xa.

*

Bác Khương xách siêu nước mới ra, pha ấm trà mới. Bác mở cánh tủ với gói kẹo lạc. Tuấn xua tay:
- Khuya rồi còn ăn kẹo lạc gì nữa anh.
- Tôi chuẩn bị ra đây để đãi bọn múa lân với tụi nhỏ trong làng, chúng sắp qua nhà ta đấy.
- Dạ thế ạ?
- Cả cô Đào nữa. Lâu rồi chú không gặp cô ấy nhỉ.
- Vâng.
- Cô ấy lên làm trưởng thôn được ba năm nay rồi. Tưởng đàn bà con gái mà cũng rắn lắm.
- Rắn thế nào hả anh?
- Nhiều vụ việc ở thôn xảy ra cô ấy xử lý đâu ra đấy. Chú biết cái ao Giữa nhà ông Tre hợp đồng ngày trước chứ? Rõ là ao đã hết hợp đồng từ hai năm nay, xã không cho ký nữa, thế mà nhà ông Tre cho san lấp trái phép định làm nhà. Xóm Giữa người ta đâm đơn lên xã. Xã yêu cầu thôn phải dừng ngay vụ lấp ao trái phép và cô Đào là người phải chịu trách nhiệm về việc này. Cô Đào ra ao Giữa quát tay máy xúc không được xúc đất xuống ao nữa. Cô còn vào tận nhà ông Tre nói phải trái. Ông Tre lúc đầu còn cậy là họ hàng bề trên, to tiếng quát mắng cô Đào. Nhưng cô Đào đã dùng lý lẽ của mình nói đến ông Tre phải chịu, phải xúc đất lên.
- Ở làng mình lắm việc nhức đầu nhỉ?
- Còn cái nhà Tản nữa, dám chặn cống nước chảy từ nhà văn hoá không cho chảy xuống ao. Mưa là ngập cả đoạn đường giữa làng. Cô Đào ra bảo, nhà Tản không được lấp cống. Nhà Tản bảo ao nhà nó, cứ làm. Cô Đào cứng bảo, vậy ao nhà anh đào từ ruộng chỉ có hai sào, chúng tôi đo đúng hai sào còn lại diện tích là của thôn. Nhà Tản chả nhún. Cái rìa đường ấy vốn là cái mương nước to uỵch của làng. Nhà đấy đào ao, đào chiếm luôn. Đuối lý, Tản không dám bịt cống thoát nước của làng nữa.
- Thế thì cái mộ xây nhà mình không làm to ra được rồi.
- Thì thế. Cô ấy làm đúng thôi. Ai cũng chỉ biết lợi cho mình nên toàn cố tình lấn chiếm, làm sai quy định.
Tiếng trống đầu cổng. Đoàn múa lân rùng rùng đi vào nhà bác Khương. Bọn trẻ con chạy theo lon ton, cuối cùng là hai người lớn. Tuấn nhận ra Đào và Hoa. Bác Khương mời hai người vào nhà.
- Cô Đào giờ làm trưởng thôn, còn cô Hoa làm bên phụ nữ, mời hai cô vào nhà uống nước.
Tuấn ra bắt tay chào Hoa, Đào. Đội múa lân đã dừng tay, đội trống cũng thôi gõ để nhận kẹo lạc bác Khương cho. Đoạn bác Khương rút ví lấy tờ hai trăm nghìn đưa cho cô Đào:
- Tôi gửi chút quà vui Trung thu với các cháu.
Bọn trẻ con thi nhau cảm ơn bác Khương.
Tuấn cũng chỉ vừa nói được vài câu xã giao với hai người bạn cũ thì lũ trẻ đã gõ trống, đội lân và chuẩn bị đi sang nhà khác. Tuấn đưa cho Đào tờ năm trăm nghìn:
- Cho tôi góp vui Tết Trung thu với các cháu.
Bọn trẻ lại cảm ơn rối rít. Đào và Hoa cũng cảm ơn Tuấn và mời Tuấn tối mai ra nhà văn hóa vui Trung thu với các cháu thiếu nhi. Tuấn mỉm cười.
Hôm sau làm giỗ ông nội bọn trẻ xong, mới hai giờ chiều Kim đã giục Tuấn về cùng nhưng Tuấn không về. Tuấn bảo ở lại tới sáng hôm sau còn bàn chuyện gia đình và thăm họ hàng, chòm xóm. Buổi tối, Tuấn theo bác Khương ra nhà văn hoá thôn để dự Đêm hội trăng rằm. Dân làng già trẻ lớn bé đều ra dự rất đông vui. Trên sân khấu các em nhỏ múa hát cùng đội múa lân, dưới khán giả, mấy chị phụ nữ bê nước vối, bánh kẹo và bưởi đào đi mời tất cả mọi người. Một cô gái trẻ mời nước, mời bưởi Tuấn, khoe: “Chú nếm thử bưởi nhà cô Đào đi ạ. Sản phẩm OCOP thứ hai ở làng mình đấy. Ngày mai, cô Đào sẽ đi dự triển lãm sản vật địa phương ở trên Thủ đô”. Miếng bưởi ngọt thơm, mọng nước, giòn tan trong miệng Tuấn. Anh ngước mắt nhìn lên trời, chợt thấy vầng trăng tròn như trái bưởi đang vằng vặc giữa trời. Ôi, vầng trăng xưa, vầng trăng mà bao năm ra phố anh không được ngắm lại bao giờ...

NGUYỄN THU HẰNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vầng trăng xưa