Để vận tải hàng hóa an toàn và thông suốt trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương và cơ quan quản lý cần có giải pháp tổng thể để không còn tình trạng ra văn bản rồi lại phải thu hồi, bãi bỏ.
Một chốt kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa trước khi vào địa phương
Việc nhiều tỉnh, thành phố ra các văn bản, quy định được cho là "giấy phép con" thời gian qua đã khiến cho lưu thông hàng hóa bị ách tắc, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến doanh nghiệp lao đao, người dân lâm vào tình cảnh khó khăn...
Điều này cũng đã khiến các bộ, ngành phải "vào cuộc" và sau hàng loạt các chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, đến nay, tình trạng này đã cơ bản được giải quyết.
Địa phương cầu thị và "sửa sai"
Vào trung tuần tháng 8, việc Cần thơ ra hàng loạt quy định yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải “đăng ký trước” và “sang xe, đổi tài” hay “đăng ký trước” đối với phương tiện vận chuyển từ các tỉnh, thành vào thành phố đã dẫn đến việc ách tắc, ùn ứ trong vận tải hàng hóa cả khu vực phía Nam, gây nhiều khó khăn cho không chỉ các doanh nghiệp mà ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ lên đời sống kinh tế-xã hội ở các địa phương đang phải thực hiện giãn cách không thống nhất trong thời hạn của giấy xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế, lái xe vận tải mỗi nơi khác nhau... đã làm tắc nghẽn dòng chảy lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Sau khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã có những chính sách, điều kiện thay đổi tích cực để đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Đơn cử, ngày 4.9, thành phố Cần Thơ chính thức áp dụng các quy định mới trong việc kiểm soát dịch đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, xe vào thành phố chỉ cần có mã QR Code đầy đủ, không phải sang hàng hoặc đổi tài xế như trước. Xe vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn thành phố Cần Thơ chỉ cần có giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code, hợp đồng vận tải, giấy vận chuyển, giấy xác nhận nơi đi và nơi đến của đơn vị vận tải hàng hóa...
Như vậy, sau hơn 2 tuần ban hành các văn bản bất hợp lý, Cần Thơ đã kịp thời "sửa sai" và động thái này được nhiều chủ phương tiện và doanh nghiệp vận tải đồng tình. Họ cho rằng việc bãi bỏ các quy định gây khó khăn đã giúp “cởi trói” cho doanh nghiệp cũng như giúp hàng hóa được lưu thông thuận tiện, giảm phiền hà cho lái xe.
“Theo quy định mới, thủ tục đơn giản rất nhiều, tiết kiệm được thời gian. Việc tăng cường biện pháp quản lý con người cụ thể là các tài xế, thay vì phương tiện như trước đây tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Tài xế sẽ không còn lo chuyện trễ giờ giao nhận hàng nữa. Chúng tôi rất mừng,”, lái xe Phạm Minh Út ở tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Bên cạnh đó, một điểm sáng trong khơi dòng vận tải hàng hóa các tỉnh phía Nam chính là “luồng xanh” đường thủy đã được triển khai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp bà con và thương lái tiêu thụ lúa gạo và nông sản vào vụ thu hoạch.
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, liên Bộ Giao thông vận tải và Công thương đã đề nghị các tỉnh, thành phố đưa ra nhiều chính sách, giải pháp như bố trí các điểm test nhanh Covid-19, gia hạn thời hạn giấy xét nghiệm, tạo điều kiện giấy đi đường, xét nghiệm cho thương lái đi thu mua nông sản, ưu tiên các cung đường cho phương tiện tàu thuyền, ôtô chuyên chở nông sản tiêu thụ và xuất nhập khẩu…
Tiến tới tích hợp chung một phần mềm
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối ngày 6.9, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, lưu thông hàng hóa được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt xuyên suốt; trong đó tất cả hàng hóa đều được phép lưu thông, trừ hàng hóa cấm.
Ông Đông khẳng định tất cả tuyến đường đều được phép lưu thông đối với phương tiện có mã QR Code do ngành giao thông vận tải cấp là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm minh với các vi phạm đồng thời thống nhất kết quả xét nghiệm nhanh và PCR đối với lái xe có hiệu lực trong 72 giờ.
“Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức giao ban hàng tuần với Sở Giao thông vận tải các địa phương, qua đó phát hiện một số địa phương do có sốt ruột nhất định trong kiểm soát dịch, kiểm soát lái xe phương tiện đã đưa ra một số quy định chưa thống nhất theo chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các địa phương bãi bỏ”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên luồng xanh vận tải hàng hóa
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu tích hợp đồng hộ, thống nhất các phần mềm đang triển khai để kiểm soát khai báo y tế, thông tin di chuyển của người dân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp tích cực cùng các cơ quan liên quan của Bộ Công an để nghiên cứu tích hợp, sử dụng chung một phần mềm cấp QR Code đã triển khai để kê khai thông tin về người trên xe và phương tiện.
“Nếu triển khai được sẽ tạo điều kiện thống nhất trong quản lý, giám sát và xử lý vi phạm đồng thời tạo thuận lợi cho lái xe và đơn vị vận tải khi thực hiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa không phải khai báo nhiều lần với các thông tin trùng lặp, nhiều loại giấy tờ khác nhau, giảm bớt giấy tờ cho người trên phương tiện, bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc truy vết khi có ca nhiễm virus SARS-CoV-2”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các địa phương cần thống nhất về công nhận kết quả xét nghiệm âm tính của phương pháp RT-PCR cũng như test nhanh kháng nguyên và có hiệu lực trong 72 giờ; ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, đội ngũ bốc xếp hàng hóa; không yêu cầu cấp giấy đi đường đối với lái xe mà phương tiện đã được cấp giấy nhận diện; không tổ chức trung chuyển hàng hóa.
Lưu thông an toàn, sản xuất an toàn
Theo các chuyên gia, những động thái trên của các cơ quan quản lý được coi là kịp thời, song vẫn cần có giải pháp tổng thể nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân mới đây đã đưa ra báo cáo khuyến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine, tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, nhân lực sản xuất, dân cư toàn xã hội.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng đề xuất Chính phủ nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành; thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương; không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra, kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.
Trong khi đó, mỗi địa phương cần tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; bảo đảm không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định.
Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về; xây dựng ứng dụng điện tử “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.
Mặt khác, để chính sách thực sự đi vào thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao thì Chính phủ, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường đối thoại với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch Covid-19.
Có như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lưu thông hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng được thông suốt và hoạt động trong trạng thái "bình thường mới," góp phần ổn định kinh tế và đời sống cho nhân dân.
Theo Vietnam+