Trong số 8 người uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) hồi đầu tháng 8 vừa qua đã có 2 người tử vong.
Những người còn lại phải cấp cứu tích cực mới qua cơn nguy kịch. Chủ quán nhậu khai nhóm 8 người trên đã lấy 5 lít rượu có sẵn tại quán pha với nước ngọt và uống hết. Khi cấp cứu tại bệnh viện, tất cả các nạn nhân đều có nồng độ methanol trong máu rất cao.
Còn nhớ cuối năm 2021, chỉ trong vòng 1 tháng, Hải Dương có 3 người chết vì ngộ độc rượu gồm 2 người ở TP Hải Dương và 1 người ở Nam Sách. Nguyên nhân đều xuất phát từ việc uống rượu không bảo đảm chất lượng, có hàm lượng methanol quá cao.
Bệnh nhân ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Methanol là cồn công nghiệp, thường dùng để làm sơn hay dung môi pha chế. Chất này rất độc với cơ thể và không được phép dùng làm rượu hay thực phẩm. Ngộ độc do rượu bị pha cồn công nghiệp thường rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Biết là độc như vậy tại sao nhiều cơ sở sản xuất vẫn cố tình dùng methanol để chế biến rượu và bán ra thị trường?
Trước hết xuất phát từ sự dễ dãi của người dùng khi chọn rượu để uống. Đa phần những người bị ngộ độc do uống phải rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Một bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu vừa qua ở TP Hồ Chí Minh cho biết bạn của anh vào nhà hàng thấy có can giống rượu mang ra uống. Khi thấy vị lạ, khó uống thì pha thêm nước ngọt. Điều này cho thấy người tiêu dùng còn chủ quan trong sử dụng thực phẩm và kiến thức về an toàn thực phẩm rất lơ mơ. Thay vì để xảy ra hậu quả đáng tiếc liên quan đến rượu, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng sử dụng rượu.
Thực tế để phát hiện được rượu có chứa cồn công nghiệp hay không bằng cảm quan rất khó. Do đó, để tránh ngộ độc do uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp thì giải pháp hàng đầu là chặn từ gốc. Gốc ở đây chính là cần xử lý nghiêm những nơi sản xuất rượu không bảo đảm chất lượng.
Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương với Sở Y tế về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2021 ngày 18.8 vừa qua đã chỉ ra trong giai đoạn này, các đoàn thanh tra, kiểm tra của sở đã phát hiện, tiêu huỷ 100 lít rượu không đúng với hồ sơ công bố và 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng số tiền phạt gần 537 triệu đồng. Đây chỉ là một phần nhỏ rượu không bảo đảm chất lượng đang được bán trên thị trường bị cơ quan chức năng thu giữ và xử lý vì thực tế rượu tự nấu, nhất là số rượu không xuất xứ, nguồn gốc và chưa được kiểm định chất lượng còn khá nhiều.
Về lâu dài, việc hạn chế tiêu thụ, sử dụng rượu cần sớm được thực hiện nghiêm túc hơn bởi hậu họa từ việc lạm dụng rượu ai cũng thấy rõ. Tại Singapore, người dân không được phép mua bán rượu bia ở nơi công cộng từ 22 giờ 30 đến 7 giờ hằng ngày. Các cửa hàng bán lẻ cũng không được phép bán rượu bia mang đi trong khung giờ này. Nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 1.000 SGD (hơn 17 triệu đồng) hoặc 2.000 SGD (34 triệu đồng) và 3 tháng tù giam nếu tái phạm. Ở quốc gia này, không chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu quy mô lớn mới cần giấy phép mà ngay các cửa hàng bán lẻ rượu nếu không có phép cũng không được bán hàng. Cơ quan chức năng của Singapore kiểm soát rất chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh rượu và cũng không khuyến khích người dân sản xuất hay kinh doanh mặt hàng này. Ngược lại ở Việt Nam, việc kinh doanh rượu hiện nay, nhất là rượu tự nấu còn lỏng lẻo.
Để không phải trả giá đắt vì chén rượu, bên cạnh nhận thức của người sử dụng thì cần kiểm soát chặt và xử lý nghiêm người sản xuất, kinh doanh, lưu hành rượu “bẩn”.
LAN ANH