Góc nhìn

"Vấn nạn" bèo tây

BẢO ANH 16/03/2024 06:54

Nông dân Hải Dương có thể xử lý bèo tây thành phân bón, vừa góp phần giảm ách tắc kênh mương, bảo vệ môi trường vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

z5238493065717_302e817574f4ac09fe8e87befacb910b.jpg
Nhiều tuyến kênh của Hải Dương dày đặc bèo tây, cản trở dòng chảy

Hiện nay, không ít kênh mương, ao, hồ tại Hải Dương bèo tây sinh sôi, phát triển nhanh làm ách tắc dòng chảy. Tình trạng diệt bèo tây bằng thuốc trừ cỏ càng làm môi trường ô nhiễm. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã phải mất rất nhiều công sức để vớt và xử lý bèo tây. Nhiều đoàn thể của Hải Dương đã phát động thứ bảy xanh, chủ nhật tình nguyện huy động nhân lực vớt bèo tây, giải tỏa kênh mương nhưng cũng như “muối bỏ bể”.

Có dịp tới huyện Gia Bình (Bắc Ninh), tôi thấy nông dân ở đây biết cách dùng bèo tây làm phân hữu cơ. Quy trình ủ bèo thành phân hữu cơ khá đơn giản. Bèo tây được nông dân vớt lên bờ, phơi bớt nước, sau đó dồn thành đống nhỏ trộn cùng chế phẩm sinh học ủ từ 1-3 tháng thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Ngoài bèo, người dân còn mang cả rác hữu cơ được phân loại tại nhà ủ cùng. Chỉ sau 1-3 tháng, phân hữu cơ từ bèo tây có thể đem bón lúa, bón cây ăn quả hoặc trộn vào đất trồng rau màu rất tốt.

Tại Hải Dương, xử lý bèo tây tốn rất nhiều công sức và tiền của nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả triệt để. Bèo được vớt lên không được xử lý. Nhiều nơi dùng thuốc trừ cỏ vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm. Một số nơi làm cho có, đẩy bèo từ kênh nhỏ ra sông lớn.

Trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đã triển khai khá hiệu quả mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học. Rơm, rạ sau thu hoạch thay vì nông dân đem đi đốt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đất trồng thì đã được hướng dẫn ngâm ủ với chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vậy tại sao nông dân lại không ứng dụng chế phẩm sinh học để cũng có thể biến bèo tây thành phân bón vừa tiết kiệm chi phí lại vừa giải quyết được vấn nạn mà bấy lâu nay nhiều địa phương và doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi phải đau đầu?

Tại nhiều tỉnh như Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, mấy năm gần đây Hội Nông dân đã phối hợp hướng dẫn nông dân ủ bèo tây thành phân bón hữu cơ nhờ chế phẩm sinh học. Nông dân Hải Dương hoàn toàn có thể làm được.

rac-huu-co.png
Có thể nghiên cứu dùng chế phẩm sinh học để ủ bèo tây thành phân bón hữu cơ như cách làm của hội viên phụ nữ phường Tân Dân (Chí Linh)

Sáng 12/3, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Dân (TP Chí Linh) giới thiệu mô hình dùng chế phẩm sinh học IMO tự làm để ủ rác hữu cơ thành phân bón rất hiệu quả. Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Dân, chế phẩm sinh học IMO hoàn toàn có thể ủ bèo tây thành phân bón.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ của cả nước. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, thân thiện môi trường thì việc biến bèo tây thành phân bón hữu cơ sẽ trở thành một mũi tên trúng hai đích, vừa giúp kênh mương thông thoáng, giảm chi phí, công sức vớt bèo, lại biến bèo tây thành có ích đối với môi trường, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Hơn 10 năm trước, Hội Liên hiệp phụ nữ tại nhiều địa phương của huyện Thanh Hà còn phơi bèo tây sau đó chẻ sợi để đan giỏ bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hoặc các điểm bán đồ lưu niệm. Đây cũng là cách hay để biến bèo tây thành tiền, nâng cao đời sống người dân. Khi đó vấn nạn bèo tây sẽ được xử lý triệt để và bèo tây trở thành nguồn lợi của nhiều nông dân, tạo động lực sản xuất hữu cơ, bảo vệ đất trồng.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vấn nạn" bèo tây