Việc xây dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa phải bắt nguồn từ chính mỗi gia đình, từ nếp nhà.
Gần đây tôi có đến nhà một đồng nghiệp chơi. Vừa tới cổng, một cháu nhỏ nhanh nhảu chào hỏi, rồi lại chăm chú đọc sách. Tôi hỏi: “Hôm nay là chủ nhật, sao cháu không đi chơi mà vẫn chăm học thế?”. Cháu bé trả lời: “Dạ. Ấu bất học, lão hà vi/ Nhân bất học, bất tri lý”. Tôi bất ngờ bởi câu trả lời thật già dặn so với tuổi của một đứa trẻ, rồi hỏi tiếp: “Cháu học lớp mấy rồi thế? Cháu có hiểu hai câu vừa rồi nghĩa là gì không?”. “Cháu học lớp 3 ạ. Bố cháu bảo bé mà không học thì già sẽ nghèo hèn. Người không học thì không biết lý lẽ, kiến thức ạ”. Tôi chỉ biết gật gù khen ngợi cháu.
Ảnh minh họa
Vào nhà, tôi thấy ở phòng khách treo trang trọng chữ “Học” bằng tiếng Hán. Thấy tôi chú ý đến chữ này, bạn tôi vừa rót trà mời, vừa giải thích: “Học là truyền thống của gia đình mấy đời nhà tôi ông ạ. Từ ông tôi, bố tôi, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đều rất ham học. Còn tôi vẫn học hỏi hằng ngày để bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp. Tôi muốn giáo dục con cháu về truyền thống gia đình nên có lần đi tham quan ở đền thờ nhà giáo Chu Văn An đã xin chữ học về treo”, bạn tôi nói. Nói đến đây thì tôi đã hiểu vì sao con anh, một đứa trẻ mới học lớp 3 đã nói được những câu thật ý nghĩa. Hỏi ra mới biết con anh rất chăm học và có học lực giỏi thuộc tốp đầu của lớp.
Cũng liên quan tới chuyện học, tôi từng chứng kiến, chiêm nghiệm về 2 gia đình khác nhau. Gia đình thứ nhất có bố mẹ đều là giáo viên, kinh tế sung túc, có một người con trai học rất giỏi vì thừa hưởng gen của bố mẹ, từng đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên, bố mẹ thường nuông chiều quá mức người con này, ít khi phê bình, nhắc nhở về lỗi lầm của con. Thông thường con muốn mua cái gì là bố mẹ đáp ứng cái ấy. Gia đình thứ hai bố mẹ chỉ làm nông dân, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thường xuyên động viên, nhắc con phải học tốt để trở thành người tốt. Những lúc con chểnh mảng việc học, bố mẹ uốn nắn ngay. Cậu con trai của gia đình này chăm chỉ, học tốt song không bằng cậu con trai của gia đình kia. Thương bố mẹ còn khó khăn, cậu thường tham gia phụ giúp công việc cùng gia đình và chỉ xin tiền bố mẹ cho những việc rất cần thiết. Rồi cả hai cùng trúng tuyển vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Sau 1 năm đầu, cậu con trai gia đình thứ nhất thường đi chơi game xuyên đêm, lười học, thi trượt nhiều môn nên phải học lại. Biết chuyện, bố mẹ cậu không dám khiển trách, chỉ biết than thở. Còn cậu con trai của gia đình thứ hai vẫn chăm học và giành được học bổng. Ngoài ra cậu còn đi làm thêm để trau dồi kỹ năng sống và có một khoản thu để đỡ đần chi phí theo học đại học.
Hiện nay, vào phòng khách nhiều nhà thường thấy treo chữ “Đức”, “Trí”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”. Có lần vào nhà một người quen, tôi thấy treo chữ “Cần” nên buột miệng nói rằng chữ này ít thấy mọi người treo. Chủ nhà chia sẻ rằng muốn treo chữ này để giáo dục mọi người trong gia đình phải biết cần cù lao động, chăm chỉ học hành, phải tự mình lao động để nuôi sống bản thân mình, đừng sống như cây tầm gửi. Quả thật, chỉ cần một chữ mà bao hàm triết lý sâu xa.
Những câu chuyện phía trên đều liên quan tới 2 chữ “nếp nhà”, hay gọi là gia đạo. Cần cù, hiếu học, kính già nhường trẻ, tôn sư trọng đạo, nghĩa tình với họ mạc, làng xóm, yêu quê hương… là những phẩm chất tốt đẹp của rất nhiều gia đình và cũng là truyền thống, hệ giá trị tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam. Chính nếp nhà là cái nôi nuôi dưỡng đầu tiên, tạo nền móng vững chắc để mỗi người trưởng thành. Những gia đình có nếp nhà tốt thì thường con cháu cũng trưởng thành tốt, thành công, hạnh phúc và ngược lại.
Còn nhớ hơn 1 năm về trước, sáng 24.11.2021 tại Hội nghị Văn hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Hội nghị văn hóa toàn quốc), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc tới “nếp nhà” trong bài phát biểu kết luận hội nghị của mình.
Sau khi chỉ rõ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xã hội như tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, công lý và đạo đức, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải giữ lấy “nếp nhà” ấy. Không chỉ vậy, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo, định hướng nhiều nhiệm vụ trọng tâm, hệ trọng trong phát triển văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân cả trước mắt và lâu dài.
Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, hơn 1 năm qua, toàn tỉnh đã tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện và có những kết quả quan trọng bước đầu. Đó là nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, thấy rõ tầm quan trọng, vị trí, ý nghĩa của việc giữ gìn, phát triển văn hóa, quán triệt quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" và từng bước khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được chú trọng. Hệ thống chính trị trong tỉnh đã quan tâm hơn tới việc phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần cống hiến, tạo động lực thực hiện thành công các nhiệm vụ của tỉnh…
Một điều khá trùng hợp là trước khi diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc hơn 3 tháng, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong chương trình này đặt ra một nhiệm quan rất quan trọng là xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”. Do đó, việc thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã được tỉnh Hải Dương gắn liền với thực hiện chương trình nêu trên.
Thiết nghĩ, việc xây dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa phải bắt nguồn từ chính mỗi gia đình, từ nếp nhà. Những nếp nhà ấy sẽ được cộng đồng vun bồi, đúc kết, phát huy, định hướng để trở thành những hệ giá trị văn hóa của cả một địa phương, một vùng, một dân tộc, một quốc gia. Và những hệ giá trị của quốc gia, dân tộc, địa phương sẽ tác động trở lại từng gia đình, nếp nhà để lưu giữ và phát triển. Tất nhiên, nếp nhà ở đây cần hiểu là những giá trị truyền thống tiến bộ của gia đình, cần phải giữ gìn, phát huy. Còn những nếp nhà đã lạc hậu, tiêu cực như trọng nam khinh nữ, tính gia trưởng độc đoán của người cha… thì cần đấu tranh bài trừ. Theo thời gian, nếp nhà của mỗi gia đình Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại như tôn trọng quyền tự do cá nhân của từng thành viên, dân chủ hơn trong lối sống…
NINH TUÂN