Nguồn gốc của loại cây, quả đặc sản này lưu truyền trong sử sách hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn có một số người không hiểu cho rằng chỉ có vải Thanh Hà chứ không có vải thiều Thanh Hà.
Vải thiều Thanh Hà chính vụ cho thu hoạch vào tháng 6
Vải thiều Thanh Hà vốn là đặc sản của vùng đất Thanh Hà. Nguồn gốc của loại cây, quả đặc sản này lưu truyền trong sử sách hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn có một số người không hiểu cho rằng chỉ có vải Thanh Hà chứ không có vải thiều Thanh Hà.
Người có công đưa vải thiều về Việt Nam là cụ Hoàng Văn Cơm, người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà). Thời trẻ, trong một lần dự tiệc với người nước ngoài tại Hải Phòng, cụ Cơm được ăn loại vải ngon. Cụ đã lấy 3 hạt vải về ươm tại vườn nhà. 3 hạt này đều nảy mầm thành cây nhưng sau đó 2 cây bị chết, chỉ còn 1 cây sống đến nay đã được gần 200 năm. Do phù hợp với đất đai, khí hậu nên cây vải phát triển tốt và cho quả ngọt. Vụ nào cây vải cũng sai trĩu quả. Không lâu sau, vải Thuý Lâm được trồng khắp tỉnh Hải Dương, đặc biệt là tại huyện Thanh Hà. Vải thiều Thanh Hà nổi tiếng từ đó.
Trong quá trình canh tác, người dân Thanh Hà đã linh hoạt, sáng tạo chiết, ghép cành vải thiều để tạo ra các giống vải. Đến nay, vải thiều Thanh Hà gồm các loại u trứng, u hồng, tàu lai và vải thiều chính vụ. Các loại vải u trứng, u hồng, tàu lai đều là những loại vải chín sớm.
Vải thiều Thanh Hà chính vụ cho thu hoạch muộn nhất trong các loại vải. Quả vải thiều Thanh Hà có kích thước bé nhất trong các giống vải hiện nay. Nhờ được phù sa bồi đắp bởi nhiều con sông nên chất đất ở Thanh Hà phù hợp để cây vải phát triển tốt, mang lại loại quả quý hiếm mà chỉ vùng này mới có. Giống vải quý này đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Thanh Hà. Vì thế, sau này nhiều người dân ở đây mang theo cây vải thiều Thanh Hà đến vùng đất mới như Bắc Giang, Quảng Ninh... để phát triển kinh tế. Cụ thể, thập niên 50-60 của thế kỷ trước, cây vải thiều Thanh Hà đã theo chân ông Nguyễn Đức Trụ người ở Hải Dương lên Lục Ngạn lập nghiệp. Hiện nay, trong miếu thờ của cụ Hoàng Văn Cơm tại thôn Thúy Lâm vẫn còn bức trướng của người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) được treo ở vị trí trang trọng với dòng chữ: "Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm - ông tổ vải thiều". Cũng từ đó thị trường mới có vải Bắc Giang và nhiều loại vải ở nơi khác. Người nào sành ăn sẽ nhận thấy vải Bắc Giang to, mọng nhưng ăn có vị chát, không được thanh mát, ngọt lịm như vải thiều Thanh Hà. Vì thế không có chuyện vải tàu lai là đại diện cho vải Thanh Hà hay vải thiều Thanh Hà. Đây chỉ là một trong các loại vải thiều của Thanh Hà.
Bia đá của nhân dân huyện Thanh Hà biết ơn công lao của cụ Hoàng Văn Cơm được đặt ngay cạnh cây vải thiều tổ
Vải thiều Thanh Hà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” từ năm 2007. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt “Top 50 sản phẩm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”. Năm 2015 được vinh danh top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng”, “Logo và Slogan ấn tượng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”. Cùng năm này, cây vải tổ ở Thanh Hà được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là cây vải thiều tổ lâu năm nhất. Năm 2018, vải thiều Thanh Hà được dán tem truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà còn đang được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường các nước khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan...
Vì thế người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ, không vì thông tin thiếu chính xác trên mạng mà nhầm lẫn vải thiều Thanh Hà chính vụ với vải tàu lai, đánh đồng chất lượng, hình thức các loại vải làm ảnh hưởng đến thương hiệu quả vải thiều Thanh Hà mà bao lâu nay người trồng vải Thanh Hà xây dựng.
MINH NGUYỆT