Thế giới hiện tại chưa thể biết chắc chắn biến thể Delta đã phải là virus nguy hiểm nhất, gây ra hậu quả nặng nề nhất hay chưa, nhưng có một điều chắc chắn là nếu bạn chưa tiêm hay hàng xóm của bạn chưa tiêm thì người hàng xóm của bạn hay chính bạn chưa thể an toàn.
Những ngày gần đây, câu nói của John MacCullough, một người dân ở bang Virginia rằng “quyền tự do không tiêm vaccine ảnh hưởng trực tiếp đến tự do của những người đã tiêm” thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ. Ở một đất nước tự do như Mỹ nhưng những lời kêu gọi bắt buộc tiêm vaccine ngày càng thu hút nhiều tiếng nói ủng hộ hơn.
Việt Nam không có nhiều vaccine để tiêm như Mỹ nên chúng ta phải phân bổ vaccine cho những người được ưu tiên, những người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao, những vùng dịch nguy hiểm tiêm trước. Nước ta cũng không có các phong trào tẩy chay vaccine như ở Mỹ. Văn hóa Mỹ khác văn hóa của chúng ta. Nhưng sự tàn phá của dịch Covid-19 đối với mọi nền văn hóa, quốc gia, nền kinh tế, con người là như nhau.
Không có đủ vaccine để tiêm nhưng việc trì hoãn tiêm vẫn diễn ra. Vì sợ tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe mà một số người không đi tiêm. Có người viện lý do dị ứng, bệnh nền không tiêm hoặc khi được khám lâm sàng cố tình trầm trọng hoá một số vấn đề về sức khỏe để được trì hoãn tiêm. Câu chuyện "không may mắc Covid-19 đi viện nửa tháng là khỏi, chứ tiêm vào không biết thế nào" vẫn còn sức nặng. Có người còn nói “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”.
Thực tế ở TP Hồ Chí Minh, có quận đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine khoảng 95% cho người dân trên 18 tuổi vào thời điểm số người chết do Covid-19 mỗi ngày đã lên đến hàng trăm.
Nhưng tôi đã từng chứng kiến một cụ ông hơn 80 tuổi bị cao huyết áp vẫn hăng hái đi tiêm. Khi khám sàng lọc cụ được bác sĩ cho ra nghỉ để khám lại. Cụ bình thản ngồi nghỉ theo chỉ định để được khám lại. Hải Dương cũng là địa phương đầu tiên triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của cả nước. Một nữ nhân viên y tế ở TP Hải Dương từng tham gia chống dịch thời kỳ căng thẳng nhất đã trở thành người được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam. Chị đã vượt qua sự lo lắng, hồi hộp và kết quả là an toàn. Đó là hai trong nhiều tấm gương về ý thức trong phòng chống dịch bệnh.
Thế giới hiện tại chưa thể biết chắc chắn biến thể Delta đã phải là virus nguy hiểm nhất, gây ra hậu quả nặng nề nhất hay chưa, nhưng có một điều chắc chắn là nếu bạn chưa tiêm hay hàng xóm của bạn chưa tiêm thì người hàng xóm của bạn hay chính bạn chưa thể an toàn.
Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng” hơn từ khi có Covid-19. Mọi con người, quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có mối liên hệ với nhau. Bất cứ ai cũng có thể trở thành F1 của một F0, trở thành F2 của một F1… Hãy coi cơ hội được tiêm vaccine là cơ hội đem đến sự an toàn cho bản thân mình, gia đình và cao hơn là an toàn cho cả cộng đồng. Hiện nay, vaccine đang thiếu hụt, khan hiếm, nên mọi cơ hội được tiêm đều đáng quý. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Cùng với tìm kiếm sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận vaccine phòng Covid-19 cũng cần quan tâm đến trách nhiệm tiêm vaccine. Những người tiêm vaccine trước không phải là những người sợ chết hay chỉ cầu mong sự an toàn cho chính bản thân mình. Khi nhìn hình ảnh những người tình nguyện dìu bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP Hồ Chí Minh ra xe cấp cứu để nhập viện, chứng kiến sự hy sinh đêm ngày để chiến đấu với dịch bệnh của các y bác sĩ hay lực lượng tuyến đầu chống dịch càng thấy việc cố tình trì hoãn tiêm vaccine của một số ít người được tiêm thật đáng trách.
Hiện nay, tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng là biện pháp để khống chế, tiến tới thanh toán dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.
NGUYỄN THỊ THANH VÂN