Nói một cách hình ảnh, vaccine có thể được ví như con thuyền của Noah trong trận đại hồng thủy mang tên COVID-19.
Lúc này, ngay cả khi chiến lược ứng phó dịch bệnh đã thay đổi thì vaccine vẫn là một “vũ khí” tiên quyết để có thể đưa cuộc sống trở lại mức bình thường mới.
Gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những thiệt hại về kinh tế, xã hội do dịch COVID-19 gây nên là khó có thể đong đếm được hết và thậm chí dịch bệnh còn bắt đầu để lại những di chứng, hội chứng kéo dài. Sự mất mát về tính mạng con người lại càng hằn sâu, ám ảnh…
Tuy vậy, như cánh rừng sau một trận cháy lớn, trên những thân cây cháy đen cuối cùng đã bắt đầu nhú lên những chồi non xanh biếc. Sự sống mới lại bắt đầu. Thế giới đang dần chuyển sang xu thế sống chung an toàn với dịch bệnh. Nhiều nơi đã xem COVID-19 trở thành một loại bệnh thông thường, linh hoạt cho phép mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội. Và ở đó, có thể thấy rõ vai trò “tiên quyết” của vaccine.
Hộ chiếu vaccine, hộ chiếu COVID-19, giấy thông hành y tế, thẻ xanh…, tất cả đều chỉ là tên gọi khác nhau của sự xác nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc xác nhận các trường hợp đã khỏi bệnh, hoặc âm tính với virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia đã cho áp dụng “thẻ xanh” để người dân có thể tiếp cận đến cả các dịch vụ không thiết yếu, như vào rạp chiếu phim, các sự kiện thể thao, các sự kiện văn hóa… Đó chính là “tấm vé” để trở lại cuộc sống bình thường.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Sau 5 tháng kể từ lúc đợt dịch thứ tư bùng phát với những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, khi chúng ta đang chuyển chiến lược từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, thì vaccine tiếp tục được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết. Điều này có nghĩa vaccine là một điều kiện trước nhất, mở đường cho các nhiệm vụ, giải pháp khác “giáp công” phòng chống dịch.
Thực tế cho thấy vaccine không phải là tấm lá chắn bảo đảm 100% không mắc COVID-19, nhiều trường hợp tiêm đủ 2 mũi vẫn nhiễm bệnh. Nhưng điều quan trọng là vaccine giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở người mắc COVID-19, cho nên, các chuyên gia đều khuyến nghị ưu tiên bảo vệ bằng vaccine cho nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch…
Cũng vì vậy, từ chỗ an toàn cho sức khỏe, vaccine trở thành “chìa khóa” mở lại các hoạt động kinh tế. Sau những giai đoạn bị hạn chế, “mở cửa” thực sự là nhu cầu tất yếu của mỗi người và của mỗi nền kinh tế. “Đừng để bị chết đói trước khi chết vì dịch bệnh”, cách nói ví von trong dân gian, ở một góc độ nào đó cũng cho thấy sự cần thiết phải tìm cách thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19. “App xanh” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập mới đây chính là hướng đến điều này.
Tại Việt Nam, tính đến hết ngày 24.9.2021, cả nước đã tiêm được 37,6 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ 72% so với tổng số vaccine phân bổ; trong đó khoảng 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 7,3 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine (tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 41,1% dân số từ 18 tuổi trở lên). Đây rõ ràng là những con số còn khiêm tốn so với chiến lược tiêm 150 triệu liều cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên cũng như so với chỉ số bắt buộc trong đề xuất Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là bao phủ vaccine ít nhất 80% người trên 50 tuổi.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên vaccine cho các điểm nóng dịch ở những giai đoạn khác nhau, một mặt là “hợp lý, hợp tình” nhưng vô hình trung làm cho tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các địa phương trên cả nước không đồng đều, ảnh hưởng tới kế hoạch “thích ứng an toàn”.
Chúng ta đều thấy hầu như địa phương nào cũng “khan” vaccine. Như Phú Quốc là một ví dụ, đến nay thành phố đã tiêm mũi 1 được khoảng 37.000 liều (đạt 35% công dân từ 18 tuổi trở lên) và mũi 2 gần 8.000 liều (hơn 6%). Mới đây, khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên đến trên 100 ca, Phú Quốc đã phải xem xét lùi thời gian thí điểm đón du khách quốc tế. Tỷ lệ tiêm vaccine thấp, chưa đủ đạt miễn dịch cộng đồng đã làm chậm việc mở cửa điểm du lịch đầu tiên của Việt Nam cho khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vaccine”.
Tuy vậy, khan hiếm vaccine không chỉ là câu chuyện của Việt Nam, mà đó là vấn đề chung của các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước nghèo. Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, Tổng thống Philippines đã ví tình trạng khan hiếm vaccine ở những nước nghèo là “một trận đại hạn hán nhân đạo”. Tổng thống Ghana thì cho rằng châu Phi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của “chủ nghĩa dân tộc vaccine”…
Nói như vậy cũng để ghi nhận những nỗ lực “ngoại giao vaccine” không ngừng nghỉ của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Đến nay, chúng ta đã tiếp nhận khoảng 53 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau và đã phân bổ khoảng 50,2 triệu liều cho các địa phương. Sắp tới sẽ có thêm nhiều vaccine về Việt Nam, trong đó có cả các loại vaccine mới được phê duyệt sử dụng khẩn cấp là Hayat-Vax (Trung Quốc) và Abdala (Cuba).
Việc phát triển vaccine nội địa cũng khả quan khi Nano Covax đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và bước đầu cho kết quả tích cực... Chúng ta cũng vừa sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V (Nga) bán thành phẩm đầu tiên, tạo ra sự chủ động nguồn cung vaccine này tại Việt Nam.
Có thêm vaccine đồng nghĩa với việc sức khỏe của nhân dân được bảo vệ tốt hơn, cơ hội để mở lại các hoạt động kinh tế và trở về trạng thái bình thường mới cũng lớn hơn. Nhưng vaccine chỉ là một phần. Bên cạnh vaccine thì ý thức của người dân cũng được nhấn mạnh là một điều kiện tiên quyết khác để kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Đó chính là “vaccine ý thức” bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ khôn lường của những biến thể mới của COVID-19 mà chúng ta sẽ còn phải sống chung lâu dài.
Theo báo Tin tức