Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Long Hải đã vươn lên trở thành doanh nghiệp sản xuất thạch rau câu hàng đầu trong nước.
Hệ thống robot gắp và đóng gói sản phẩm được vận hành chính xác
Thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), doanh nghiệp đã chủ động áp dụng công nghệ tự động, đưa robot vào phục vụ sản xuất.
Đi đầu
Để tăng hiệu quả sản xuất, mở rộng thị phần, nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí không cần thiết, Công ty TNHH Long Hải đã áp dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất.
"Ban lãnh đạo công ty đã liên hệ với rất nhiều đối tác nước ngoài nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đưa kỹ thuật, dây chuyền công nghệ mới vào làm thạch rau câu. Thời điểm công ty áp dụng công nghệ mới vào sản xuất chưa có doanh nghiệp thạch rau câu nào mạnh dạn làm, kể cả những doanh nghiệp Trung Quốc lớn, đi đầu trong lĩnh vực này", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Hải cho biết.
Trong một lần tham dự triển lãm về công nghệ ngành chế biến thực phẩm tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2016, cơ duyên áp dụng công nghệ tiên tiến đã đến với Công ty TNHH Long Hải.
Từ những nét tương đồng trên dây chuyền của một doanh nghiệp sản xuất mỳ tôm, ban lãnh đạo công ty đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu để có thể ứng dụng vào quy trình sản xuất thạch rau câu.
"Mất gần nửa năm kể từ thời điểm áp dụng máy móc, công nghệ tự động, doanh nghiệp mới có thể làm chủ chuỗi dây chuyền hiện đại này. Ban lãnh đạo cùng đội ngũ kỹ thuật của công ty phải trải qua quãng thời gian không ít khó khăn trong điều chỉnh, thay thế một số bộ phận, cải tiến máy móc cũng như viết lại phần mềm ứng dụng cho robot", ông Tuấn nói.
Khó khăn không chỉ đến từ việc cải tiến máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất mà còn xuất phát từ yếu tố con người. Người lao động của công ty vốn đang quen sản xuất thủ công thì nay phải tiếp cận công nghệ, dây chuyền tự động.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Quản đốc Phân xưởng phục vụ phụ trợ cho biết: "Công ty đã dành thời gian đào tạo, giúp công nhân làm quen với công nghệ sản xuất tiên tiến. Người biết trước tận tình chỉ dẫn cho người biết sau, nhờ đó lực lượng lao động trong công ty nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới".
Máy móc thay sức người
Áp dụng dây chuyền công nghệ mới đã thay thế sức người trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nhất là trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Trong lĩnh vực này, sử dụng càng nhiều lao động thì mức độ lây nhiễm bệnh từ người vào sản phẩm càng cao.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Long Hải, nhờ áp dụng máy móc, dây chuyền sản xuất tự động mà vấn đề an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm tốt nhất.
Từ giai đoạn nhập nguyên liệu đầu vào đến đóng gói đều được xử lý qua dây chuyền tự động nên mỗi sản phẩm của công ty đều đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi ngày, hệ thống robot gấp hộp có thể thay thế cho hàng trăm công nhân, hiệu quả sản xuất tăng cao hơn từ 3-5 lần so với trước.
Trước đây, để hoàn thiện 7.000 thùng sản phẩm cần 150 nhân công sản xuất trong 12 giờ thì với hệ thống robot, dây chuyền tự động hiện chỉ cần 50 nhân công, làm trong 8 tiếng là có thể hoàn thành. Nhờ đó chế độ đãi ngộ dành cho công nhân được nâng lên.
"Khi áp dụng robot vào sản xuất, một trong những ưu tiên của công ty là bố trí việc làm phù hợp cho những công nhân dôi dư tại nhiều khâu khác, không để bất kỳ ai phải chịu thiệt thòi", ông Tuấn cho biết thêm.
Từ những hiệu quả rõ nét trong ứng dụng robot, công nghệ tự động hóa vào sản xuất, Công ty TNHH Long Hải dự kiến tiếp tục đầu tư hệ thống sản xuất tự động hoàn toàn tại nhà máy số 2 ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương).
Nhà máy có công suất 24.000 chai nước rong biển ép/giờ chỉ với 20 nhân viên vận hành. Nhà máy số 2 hứa hẹn sẽ giúp Công ty TNHH Long Hải phát triển hơn nữa, vững vàng đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn.
HÀ KIÊN