Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ôn tập giúp học sinh cuối cấp tiếp cận nguồn học liệu phong phú bên cạnh việc học trên lớp.
Với điện thoại thông minh, học sinh có thể truy cập phần học liệu trên mạng mọi lúc, mọi nơi. Trong ảnh: Học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) hướng dẫn nhau truy cập video bài giảng trên mạng
Chưa năm nào việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ôn tập cho học sinh cuối cấp được ngành giáo dục triển khai mạnh mẽ như năm nay.
Triển khai thuận lợi
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức nhóm học tập trên ứng dụng Microsoft Team cho học sinh lớp 9 và 12. Trên ứng dụng này, sở sẽ đăng tải những học liệu cho học sinh tham khảo tự học bao gồm video bài giảng ôn tập và câu hỏi, bài tập theo chủ đề của từng môn; câu hỏi luyện tập thi vào lớp 10 THPT dành cho học sinh lớp 9, đề thi trắc nghiệm online theo định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT dành cho học sinh lớp 12...
Trước đó vào trung tuần tháng 4, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn hơn 100 giáo viên cốt cán, có chuyên môn tốt ở các trường THPT, THCS trong tỉnh tham gia xây dựng video bài giảng, câu hỏi, bài tập, đề thi luyện các môn thi cho học sinh lớp 9 và 12 theo từng chủ đề bài học... Hiện nay, sở đã bắt đầu đưa các video bài giảng lên mạng và chuyển đường dẫn để hướng dẫn học sinh ôn luyện.
Nhiều nhà quản lý giáo dục đồng tình với cách làm trên. Họ cho rằng trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài vì dịch Covid-19 như thời gian qua, việc triển khai nhóm học tập trên ứng dụng Microsoft Team sẽ giúp các em có nguồn học liệu dồi dào. Tất cả các video bài giảng, bài tập, đề thi khi đưa lên mạng đều đã được kiểm duyệt. Phần mềm Microsoft Team có tính bảo mật cao, dễ sử dụng. Cơ bản học sinh lớp 9 và 12 có khả năng sử dụng công nghệ thành thạo...
Thời gian qua, nhiều trường học đã sử dụng phần mềm Microsoft Team để dạy học trực tuyến. Do vậy, việc áp dụng phần mềm này vào việc ôn tập cho học sinh lớp 9 và 12 sẽ không có gì khó khăn. Tại những trường trước đây chưa áp dụng cũng đang tích cực triển khai tạo tài khoản, tập huấn sử dụng cho giáo viên, học sinh. Thầy giáo Trần Văn Ta, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Giàng thông tin đã tổ chức tập huấn cách sử dụng phần mềm, truy cập kho học liệu trên Microsoft Team cho học sinh lớp 12. "Các học liệu trên phần mềm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ học sinh ôn luyện, giúp giảm thời gian phải đi học thêm tại trường", thầy Ta nói.
Đại đa số học sinh cuối cấp cũng tỏ ra hào hứng với việc ứng dụng CNTT trong ôn tập. Các em đều đã sử dụng thành thạo điện thoại nên có thể truy cập phần học liệu trên mạng mọi lúc, mọi nơi. Quên kiến thức nào thì vào xem lại video bài giảng, không phải mất thời gian hỏi thầy cô và các bạn như trước. Học sinh cũng dễ dàng rèn kỹ năng làm bài nhờ những mẫu đề thi được đẩy lên mạng.
Nhiều trường học vẫn đang tiếp tục sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến kết hợp khai thác tiện ích của mạng xã hội Facebook, Zalo để ôn tập cho học sinh cuối cấp. Trường THCS Chu Văn An (Thanh Hà) yêu cầu giáo viên lớp 9 mỗi tuần tổ chức dạy 1-2 buổi trực tuyến để củng cố những nội dung kiến thức trọng tâm, hướng dẫn ôn tập, giải đáp thắc mắc cho học sinh. Giáo viên các môn toán, ngữ văn, hóa học xây dựng chủ đề ôn tập đẩy lên nhóm Zalo phụ huynh từng lớp. "Mọi thông tin về tình hình ôn tập, bài tập về nhà, năng lực của từng em... đều được cập nhật trên nhóm. Ứng dụng CNTT giúp nhà trường, gia đình kiểm soát tốt hơn việc học của học sinh", Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An Nguyễn Thị Thanh Bính nói.
Hiện nay, 100% số học sinh lớp 9 của Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) cũng đã sử dụng thành thạo phần mềm Microsoft Team.
Học sinh phải tự cân đối
Truyền đạt kiến thức trên lớp vẫn là "kênh" chính
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số ý kiến cho rằng các cơ sở giáo dục cần định hướng để học sinh phân bổ thời gian truy cập phần học liệu trên mạng phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Học sinh phải xác định phần học liệu trên mạng chỉ là một công cụ hỗ trợ các em tự học, còn cái chính vẫn là nội dung kiến thức được thầy cô truyền đạt trên lớp. "Các em đã đến trường học rồi nên cần có thời gian nghiền ngẫm lại kiến thức và nghỉ ngơi. Việc lựa chọn thời gian sử dụng CNTT trong ôn tập để vừa đem lại hiệu quả, vừa bảo đảm sức khỏe phụ thuộc chính vào các em", một nhà quản lý giáo dục nêu quan điểm.
Hiệu trưởng Trường THCS Tân Kỳ (Tứ Kỳ) Đàm Thị Đào cũng cùng quan điểm trên. Bà Đào cho rằng học sinh cần có thời gian thư giãn thì mới học và ôn tập hiệu quả. Việc các em sử dụng điện thoại, máy tính nhiều chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe. Hơn thế, không phải học sinh nào cũng sử dụng điện thoại đúng mục đích. Nếu không được hướng dẫn, kiểm soát, học sinh thậm chí dễ bỏ bê việc học, sa đà vào trò chơi điện tử, nghiện mạng xã hội hoặc thậm chí là cả những nội dung không lành mạnh.
BÌNH MINH