UNESCO đã theo dõi khoảng 18.600 sông băng tại 50 địa điểm Di sản Thế giới mà tổ chức này công nhận và dự đoán rằng khoảng 33% trong số sông băng này sẽ biến mất vào năm 2050.
Dòng sông băng Gries tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)
Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới như các sông băng trên dãy Dolomites (Italy), ở các công viên quốc gia Yosemite và Yellowstone (Mỹ) và trên dãy núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ biến mất vào năm 2050 do tình trạng ấm lên toàn cầu.
UNESCO đã theo dõi khoảng 18.600 sông băng tại 50 địa điểm Di sản Thế giới mà tổ chức này công nhận và dự đoán rằng khoảng 33% trong số sông băng này sẽ biến mất vào năm 2050.
Số sông băng còn lại có thể được cứu nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong kịch bản lượng phát thải vẫn diễn ra như bình thường, khoảng 50% sông băng tại các địa điểm Di sản Thế giới này có thể gần như biến mất hoàn toàn vào năm 2100.
Theo tác giả của báo cáo, ông Tales Carvalho, các sông băng thuộc danh sách Di sản Thế giới của UNESCO mất trung bình khoảng 58 tỷ tấn băng/năm, tương đương tổng lượng nước dùng hằng năm của cả Pháp và Tây Ban Nha, và "đóng góp" 5% vào mực nước biển dâng trên toàn cầu.
Ông Carvalho nhấn mạnh biện pháp duy nhất để có thể ngăn chặn diện tích các sông băng thu hẹp là giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các sông băng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới chiếm khoảng 10% diện tích sông băng trên thế giới, trong đó có một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới.
Do vậy, rất dễ nhận thấy sự biến mất của các sông băng này bởi chúng là những điểm du lịch nổi tiếng trên toàn cầu.
UNESCO khuyến nghị giới chức các nước cần đưa vấn đề bảo vệ sông băng làm trọng tâm trong chính sách, bằng cách tăng cường giám sát và nghiên cứu, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Theo TTXVN