Đời sống văn hóa

Hành trình Hải Dương đưa chèo trở thành di sản UNESCO

HẢI ĐĂNG 28/01/2024 13:00

Nổi tiếng là “Chiếng chèo Đông”, Hải Dương vẫn luôn gìn giữ và phát huy giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.

dsc_9602.jpg
Trích đoạn chèo của đội văn nghệ TP Chí Linh tại Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2023

Thời gian qua, Hải Dương đã tích cực triển khai một số phần việc, nỗ lực cùng các địa phương sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là di sản văn hóa thế giới.

Vẹn nguyên sức hấp dẫn

“Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? ”- câu mở đầu của nhân vật hề chèo trong nhiều tích chèo có lẽ đã nằm lòng trong ký ức của nhiều người sinh từ những năm 1980 trở về trước.

“Ngày đó, chúng tôi chủ yếu được xem, nghe hát chèo tại các hội làng, đình, chùa… do các thành viên đội văn nghệ làng, xã biểu diễn. Tuy chỉ là những tác phẩm cây nhà lá vườn nhưng rất hấp dẫn, mọi người đều xem say sưa”, bà Vũ Thị Ngoan (ở xã Vĩnh Hồng, Bình Giang) nhớ lại.

“Từ các chiếu chèo tự phát, từ những diễn viên không chuyên đó đã góp phần lưu giữ, phát huy nghệ thuật chèo truyền thống trong tỉnh. Có sự phát triển rộng khắp, có thành tựu, đỉnh cao, có tiếp nối là những nét đặc sắc của nghệ thuật chèo mà ít có loại hình nghệ thuật nào khác có được”, nghệ sĩ ưu tú Khúc Hà Linh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Dương nhận xét.

Nghệ thuật chèo đã trải qua 10 thế kỷ với nhiều thăng trầm, biến cố. Qua các nghiên cứu cho thấy, “Chiếng chèo Đông” Hải Dương cũng có những nốt trầm, nốt bổng nhưng vẫn luôn duy trì được sức hấp dẫn trong đời sống văn hóa của nhân dân.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật chèo đã rất phát triển ở Hải Dương. Trong tỉnh nở rộ nhiều gánh chèo tư nhân. Nhiều nghệ sĩ chèo của Hải Dương được coi là nghệ sĩ tiêu biểu, có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật chèo Việt Nam như: cụ Trùm Thịnh (tên thật là Nguyễn Văn Thịnh), cụ Cả Tam (tên thật là Trịnh Thị Lan) và Trùm Bông. Cả ba nghệ sĩ trên đều được phong nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên (năm 1984). Nhiều địa phương đã thành lập được đội chèo nổi tiếng một thời như các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Hà... Có những đội chèo hoạt động đến nay đã 50 năm.

“Chèo xuất phát từ sản xuất, lao động, có tính quần chúng, phổ cập, có tích trò, nhân vật, múa, có lời hát, ca từ, âm điệu, được nâng tầm bởi âm nhạc dân tộc… Nội dung các vở chèo phê phán những thói hư tật xấu, bất công trong xã hội, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ, đậm chất trữ tình. Vì vậy, chèo luôn có sức hấp dẫn và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân”, nghệ sĩ ưu tú Khúc Hà Linh nói.

Nỗ lực đưa chèo thành di sản văn hóa phi vật thể

dsc_7924.jpg
Một tiết mục chèo của đội văn nghệ xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Thơ huyện Thanh Hà

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ những định hướng, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng trên địa bàn tỉnh được gìn giữ, phát huy. Đặc biệt, nghệ thuật chèo của Hải Dương ngày càng phát triển, đặc biệt là các chiếu chèo ở làng quê.

“Cách đây hơn 20 năm qua, thị trấn Phú Thứ đã thành lập đội văn nghệ và chủ yếu biểu diễn chèo. Chúng tôi cũng tự viết kịch bản và dàn dựng được rất nhiều tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo. Không chỉ tham gia biểu diễn tại các lễ hội của địa phương, chúng tôi đã nhiều lần đại diện cho thị xã tham gia các liên hoan sân khấu không chuyên của tỉnh và đều giành giải cao. Năm 2023, tiểu phẩm chèo Trọn nghĩa vẹn tình của chúng tôi được giải A Hội diễn sân khấu không chuyên của tỉnh”, bà Trương Thị Hiệp, thành viên đội văn nghệ thị xã Phú Thứ (Kinh Môn) cho biết.

Không chỉ biểu diễn tại lễ hội, hội nghị, sự kiện của ngành, đoàn thể địa phương, các đội văn nghệ cũng tăng cường giao lưu nhằm trao đổi về cách đàn, hát và biểu diễn cho nhau nghe.

Nhằm góp phần khơi dậy, bồi dưỡng tình yêu chèo cho học sinh, nhiều trường học trong tỉnh đã phối hợp mở các lớp học hát chèo tại trường hoặc đưa việc dạy hát chèo vào chương trình giáo dục địa phương.

Những năm qua, Nhà hát Chèo Hải Dương và Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương cũng có những hoạt động tích cực để bảo tồn và phát huy, gìn giữ nghệ thuật chèo. Hằng năm, Nhà hát Chèo Hải Dương đều dàn dựng, biểu diễn 1 vở chèo mới; tham gia các liên hoan chèo toàn quốc. Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương mở các lớp đào tạo chuyên nghiệp hệ trung cấp về nghệ thuật chèo, cung cấp lực lượng cho các đoàn chèo, nhà hát chèo, các đội văn nghệ trong tỉnh. Diễn viên, giảng viên Nhà hát Chèo Hải Dương và Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương tham gia giảng dạy, tập huấn, hỗ trợ phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng tại các địa phương; bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cơ sở cho các câu lạc bộ chèo thôn, khu dân cư tại các huyện…

Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Thái Bình phối hợp 14 tỉnh, thành phố đồng bằng, trung du Bắc bộ, trong đó có Hải Dương xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy sức sống mạnh mẽ và sự lan tỏa rộng rãi giá trị của chèo trong đời sống văn hóa.

Thực hiện chỉ đạo trên, Hải Dương đã khẩn trương phối hợp với Thái Bình triển khai các công việc. Tỉnh hoàn thiện việc kiểm kê di sản nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh; thu thập phiếu cam kết đồng thuận xây dựng hồ sơ; tham gia một số hội thảo khoa học về giá trị nghệ thuật chèo do tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức; đánh giá, xây dựng lý lịch di sản chèo trên địa bàn tỉnh… Theo đánh giá, các bước quy trình lập hồ sơ đang được tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.

Theo thống kê sơ bộ, Hải Dương hiện có 131 câu lạc bộ chèo có quyết định thành lập. Ngoài ra còn nhiều đội, nhóm yêu thích chèo hoạt động tự phát trong cộng đồng. Hải Dương đã có 4 nghệ sĩ chèo được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 11 nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

HẢI ĐĂNG
(0) Bình luận
Hành trình Hải Dương đưa chèo trở thành di sản UNESCO