Theo UNESCO, khu vực Mỹ Latinh cần ưu tiên tiêm chủng cả cho những nhóm người được cho là có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn từ virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Sao Paulo, Brazil
Ngày 3.8, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến cáo các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh cần ưu tiên cả cho những nhóm người được cho là có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn từ virus SARS-CoV-2.
Tại khu vực, Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribê của chương trình Chính sách Khoa học, Cộng nghệ và Đổi mới thuộc UNESCO, ông Guillermo Anllo, đánh giá đây là khu vực có sự bất bình đẳng xã hội lớn nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 trên thế giới và vì vậy chiến dịch tiêm chủng tại nhiều nước chưa thực sự chú trọng tới các nhóm có nguy cơ cao như người bản địa, da màu, người nhập cư, tù nhân và người vô gia cư.
Trước tình trạng thiếu hụt vaccine, các nước Mỹ Latinh và Caribe hiện mới chỉ đưa vào diện ưu tiên tiêm chủng những đối tượng là người cao tuổi, người làm việc trong những lĩnh vực cơ bản ở tuyến đầu chống dịch, cũng như những người có bệnh nền.
Tuy nhiên, UNESCO cho rằng đến lúc cần phải có những điều chỉnh trong quan điểm dịch tễ nhằm tạo ra sự cân bằng hơn.
Theo nhận định của UNESCO, với tốc độc tiêm chủng hiện nay thì đến cuối năm 2021 sẽ chỉ có khoảng 1/3 dân số tại Mỹ Latinh và Caribe được tiêm đầy đủ các mũi vaccine cần thiết và chỉ có thể hoàn tất chương trình miễn dịch cho 70% dân số vào năm 2022 khi mà các nước châu Âu và Bắc Mỹ đã bước vào giai đoạn tiêm chủng tăng cường giai đoạn hai.
Ngoài ra, UNESCO cũng cho rằng khu vực này đã giảm đầu tư vào khoa học và công nghệ trong 5 năm qua và cần phải đảo ngược tình trạng này nếu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước phát triển trong việc mua lại vaccine.
Argentina, Brazil và Mexico là những nước duy nhất ở Mỹ Latinh tham gia sản xuất toàn bộ hoặc một phần vaccine ngừa COVID-19 để giúp cung cấp cho khu vực nhưng không đủ số lượng cho nhu cầu hiện tại.
Cùng với đó, đại dịch cũng đã khiến cho các nước Mỹ Latinh và Caribe rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua với mức suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 6,8% trong năm 2020.
Mặc dù năm nay khu vực này có thể đạt mức tăng trưởng 5,2% và dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 2,9% trong năm 2022, song vẫn chưa đủ để khôi phục lại mức tăng trưởng của năm 2019 ở phần lớn các nước trong khu vực.
Trong khi đó, số người nghèo đã tăng thêm 22 triệu lên 209 triệu người và số nghèo cùng cực cũng tăng thêm 8 triệu, lên mức 78 triệu người.
Đến nay Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận trên 41 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1,5 triệu ca tử vong và là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 trên thế giới.
Theo TTXVN