Kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy việc tuyển dụng viên chức giáo dục gặp khó khăn do thiếu nguồn dự tuyển, chưa đạt được chỉ tiêu tỉnh giao; định mức giao biên chế (giáo viên/lớp) của tỉnh còn thấp...
Giảm 102 trường so với năm 2015
Tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII, Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GDĐT) trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021.
Tính đến thời điểm giám sát, toàn tỉnh có 796 đơn vị sự nghiệp GDĐT, giảm 102 trường so với năm 2015, tăng 11 trường liên cấp tiểu học và THCS do sáp nhập liên cấp, tăng 1 trường đại học, cao đẳng. Toàn tỉnh có 13.879 lớp học với tổng số 444.781 học sinh.
Tính đến ngày 31.3.2021, tổng số biên chế hiện có của các cấp học là 25.874 người, đạt 90,4% số biên chế HĐND tỉnh giao năm 2021; số biên chế chưa sử dụng 2.721 người, chiếm 9,6% (trong đó lao động hợp đồng là 1.166 người, chiếm 4,1%). Tỷ lệ giáo viên/lớp (gồm giáo viên biên chế cộng với giáo viên hợp đồng) như sau: mầm non 2, tiểu học 1,4, THCS 1,7, THPT 2.
Trong giai đoạn 2019-2021, các đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 4.022 viên chức mầm non, phổ thông công lập.
Giai đoạn 2019-2021, Sở GDĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác 1.420 người thuộc các đơn vị trực thuộc.
Tinh giản biên chế còn mang tính cơ học
Thời gian qua công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp GDĐT cũng còn một số hạn chế như việc tuyển dụng viên chức giáo dục gặp khó khăn do thiếu nguồn dự tuyển, chưa đạt được chỉ tiêu tỉnh giao. Định mức giao biên chế (giáo viên/lớp) của tỉnh còn thấp so với quy định của Bộ GDĐT, trong khi đó các đơn vị đều phải bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Quy mô lớp học, số học sinh hằng năm biến động tăng nhưng biên chế giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng tình hình thực tế. Việc tinh giản biên chế tại các đơn vị còn mang tính cơ học, chưa gắn liền với việc phát triển dân số tự nhiên và cơ học hằng năm.
Theo kết quả giám sát, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 còn cao. Công tác định hướng, dự báo của một số ngành chức năng chưa kịp thời; chưa chủ động xây dựng chiến lược về quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT để chủ động tham mưu, bố trí, giao biên chế cho phù hợp. Nhiều cơ sở GDĐT sau sáp nhập hoạt động còn gặp khó khăn, vướng mắc. Mô hình trường phổ thông liên cấp mang tính chất ghép cơ học nên công tác quản lý, điều hành, bố trí công tác giảng dạy chuyên môn giữa hai cấp không phát huy được hiệu quả.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu cán bộ giáo viên phù hợp quy định theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, viên chức để đánh giá đúng thực trạng sử dụng biên chế và hợp đồng lao động trong các cơ sở GDĐT công lập để có kế hoạch phát triển giáo dục cho từng địa phương, từng cấp học; xây dựng kế hoạch mang tính chất chiến lược cho cả giai đoạn 2021-2026. Có cơ chế hỗ trợ, chính sách đặc thù nhằm thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo để tạo nguồn giáo viên cho các cấp học giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho cho các địa phương để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu về GDĐT chung của tỉnh... |
DT