Từ năm 2011 đến nay, báo điện tử Hải Dương đã nhiều lần tường thuật trực tuyến để đưa thông tin nhanh tới bạn đọc.
Phóng viên Báo Hải Dương tường thuật trực tuyến buổi đối thoại của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với cán bộ, đoàn viên, thanh niên vào tháng 3.2019
Chuẩn bị chu đáo
Ban Biên tập báo chỉ đạo tường thuật trực tuyến đối với những sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh như Đại hội Đảng bộ tỉnh, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các kỳ họp HĐND tỉnh, các buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, sinh viên, đoàn viên thanh niên... Ngày 1.12.2011, Báo Hải Dương tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo Hải Dương ra số đầu (1.12.1961 - 1.12.2011). Đây là lần đầu tiên báo điện tử Hải Dương tường thuật trực tuyến sự kiện quan trọng này. Mặc dù chỉ có 1 phóng viên viết tin, 1 phóng viên chụp ảnh, nhưng diễn biến của buổi lễ được thông tin nhanh, đầy đủ, chính xác.
Để một buổi tường thuật trực tuyến thành công, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải chuẩn bị chu đáo. Những phóng viên được lựa chọn làm tường thuật trực tuyến là người có chuyên môn vững, khả năng tác nghiệp nhanh. Trước lúc tác nghiệp, các phóng viên phải chuẩn bị đủ phương tiện làm việc như máy tính xách tay, máy ghi âm, máy ảnh, điện thoại, ổ cắm điện, bộ phát wifi, sạc pin dự phòng. Phóng viên ảnh thường mang cả máy ảnh, máy quay, nhiều thẻ nhớ để liên tục chụp và gửi ảnh, video về tòa soạn. Do sự kiện quan trọng, quy mô lớn nên mỗi khi tường thuật trực tuyến, cơ quan thường phân công từ 2-4 phóng viên cùng phối hợp đưa tin. Các phóng viên phải đến sớm từ 15-20 phút so với thời gian diễn ra sự kiện để chọn vị trí, điều kiện tác nghiệp thuận lợi.
Nhà báo Trung Thu, Phó Trưởng Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính vẫn nhớ buổi tường thuật trực tuyến cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với nông dân được tổ chức tại Hải Dương vào năm 2018. Chị Thu phải liên hệ nhiều nơi để lấy trước các thông tin xung quanh sự kiện từ lịch trình cũng như nội dung chính của buổi đối thoại. Cuộc đối thoại có sự tham dự của nhiều đại biểu Trung ương nên đòi hỏi chị Thu và một phóng viên khác làm cùng phải chú ý lắng nghe, ghi âm để phản ánh chính xác.
Không chỉ chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, trước mỗi lần tường thuật trực tuyến, phóng viên cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các nội dung, tài liệu liên quan. Có nhiều năm kinh nghiệm tường thuật trực tuyến các kỳ họp HĐND tỉnh, nhà báo Phạm Sỹ Thắng, Trưởng Phòng Báo điện tử cho biết: "Các tài liệu liên quan đến kỳ họp rất quan trọng, nhưng tôi thường chỉ nhận được vào sát ngày diễn ra. Những tờ trình, báo cáo thẩm tra... có khi nặng đến vài cân. Để kịp tiến độ, nhiều lần tôi phải thức đêm đọc tài liệu".
Kịp thời, chính xác
Yêu cầu của tường thuật trực tuyến phải nhanh và chính xác nên đòi hỏi phóng viên tác nghiệp phải tập trung cao độ. Đối với các kỳ họp HĐND tỉnh, ngoài tin tổng thuật, phóng viên chọn những vấn đề đại biểu, cử tri và người dân quan tâm tại các phiên thảo luận ở hội trường, tổ chất vấn và trả lời chất vấn để đi sâu phản ánh. Trước nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm, phóng viên phải hiểu bản chất, nắm rõ vấn đề, có khả năng phân tích, tổng hợp và đưa tin chuẩn xác. Thông thường, phản ánh kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra trong 3 ngày, anh Thắng và một phóng viên ảnh thực hiện từ 25-28 tin, bài, clip.
Tại các cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, sinh viên, thanh niên, việc hỏi - đáp diễn ra nhanh, thông tin nhiều nên các phóng viên phải tập trung cao độ, luân phiên ghi ghép rất nhanh để phản ánh kịp thời. Phóng viên ảnh tác nghiệp cũng rất khẩn trương để vừa chụp ảnh, vừa quay video. Bộ phận biên tập, duyệt tin bài xử lý nhanh nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác.
Kết thúc mỗi buổi tường thuật trực tuyến, phóng viên là những người ở lại sau cùng để kịp hoàn chỉnh những thông tin cuối cùng gửi về tòa soạn. Làm việc với cường độ cao trong môi trường áp lực nhưng sự đón nhận, quan tâm của bạn đọc với các thông tin nóng hổi là động lực giúp họ quên đi mệt mỏi và thêm yêu nghề.
HOÀNG QUÂN