Tác giả Nguyễn Thị Xuân có một tứ thơ khá cảm động “Trung thu nhớ bà” như dẫn dắt ta về với cội nguồn sâu thẳm.
TRUNG THU NHỚ BÀ
Rằm tháng tám về cháu đón Tết Trung thu
Khắc khoải nhớ kỷ niệm thời thuở bé
Chiếc chõng tre cháu gối đầu thật nhẹ
Trong tay bà cùng say ngắm ông trăng.
Bà kể cháu nghe câu chuyện chị Hằng
Ở trên ấy có cây đa, chú Cuội
Bà dành cháu củ khoai còn nóng hổi
Và những món quà quê hương vị mãi không quên.
Trung thu nay đã lấp lánh ánh đèn
Trống rộn vang, múa lân, phá cỗ
Bà đã đi xa, trăng còn nguyên vẹn đó
Ánh trăng rằm vẫn tròn vạnh bà ơi!
Bánh dẻo thơm không còn ấm tay người
Bà bỏm bẻm nhai trầu, nước chè xanh đậm chát
Vui Trung thu bên bạn bè ca hát
Cháu nhớ bà một mình đứng trông trăng!
Cứ ngỡ bà đang về với chị Hằng…
Nguyễn Thị Xuân
Thường vào ngày rằm tháng tám, trẻ thơ náo nức mà người lớn cũng hân hoan đón một cái Tết Trung thu khi trăng rằm sáng nhất trong năm. Tác giả Nguyễn Thị Xuân lại có một tứ thơ khá cảm động “Trung thu nhớ bà” như dẫn dắt ta về với cội nguồn sâu thẳm. Đó là một nốt trầm lắng đọng trong bản nhạc tưng bừng ngày Tết Trung thu để ta neo lại với một miền ký ức, một miền cổ tích mà bà chính là hạt nhân ấm áp nghĩa tình phù sa nhân hậu ấy.
Bài thơ có những nét chấm phá khá gợi về khung cảnh nông thôn thật bình dị khi ánh trăng Trung thu tỏa sáng: “Chiếc chõng tre cháu gối đầu thật nhẹ/ Trong tay bà cùng say ngắm ông trăng”. Đó là cận cảnh hình ảnh nông thôn bình dị, ấm áp. Cháu trong vòng tay bà, bà và cháu trong dạt dào ánh sáng của ông trăng - một cảnh tượng thanh bình, yên ả biết bao.
Trong không gian ấy “Bà kể cháu nghe câu chuyện chị Hằng/ Ở trên ấy có cây đa, chú Cuội”. Trăng rằm bao giờ cũng là điểm nhấn cho đêm Trung thu, từ đó tỏa sáng, đem đến một vẻ đẹp thơ mộng, trong trẻo, tinh khôi. Nhưng trăng còn là một bí mật thật gợi cảm gắn với trí tò mò, thích khám phá, tìm hiểu của trẻ thơ về chuyện cây đa, chú Cuội. Bà đã đưa cháu vào cổ tích, vào những mộng mơ rồi lại trở về với hiện thực. Một cuộc sống bình dị, êm đềm mà gắn với bao kỷ niệm, với ruộng đồng vườn tược: “Bà dành cháu củ khoai còn nóng hổi/ Và những món quà quê hương vị mãi không quên”. Hình ảnh người bà như là trung tâm hồn cốt của quê hương thật bình dị mà cũng thật lắng sâu, bền chặt.
Người cháu đón Trung thu trong khung cảnh: “Trung thu nay đã lấp lánh ánh đèn/Trống rộn vang, múa lân, phá cỗ”. Một Trung thu thật rộn ràng, tươi mới với bao niềm vui hồ hởi nhưng cháu vẫn luôn nhớ đến bà: “Bà đã đi xa, trăng còn nguyên vẹn đó/ Ánh trăng rằm vẫn tròn vạnh bà ơi!”. Một liên tưởng giàu cảm xúc và cũng xúc động biết bao. Chính những kỷ niệm gắn bó ngày nào chợt ùa về và hình ảnh bà trong đêm rằm Trung thu lại hiện lên với những hình ảnh chọn lọc mà có sức lay gợi biết bao: “Bánh dẻo thơm không còn ấm tay người/ Bà bỏm bẻm nhai trầu, nước chè xanh đậm chát”. Vị trầu cay thơm đậm và vị nước chè chát chính là hồn quê mộc mạc, là hương vị đậm đà hòa với vị ngọt bùi của tấm bánh dẻo được làm bằng nguyên liệu là gạo nếp, đậu xanh càng làm cho đêm rằm Trung thu thật ấm áp, nghĩa tình. Và càng xúc động hơn trong giây phút rộn ràng ấy hình bóng người cháu thảng thốt đứng lặng: “Cháu nhớ bà một mình đứng trông trăng!” thật thân thương, trìu mến biết bao.
Câu thơ kết lửng mở ra bao thương nhớ và cũng mở ra bao ước vọng trăng rằm: “Cứ ngỡ bà đang về với chị Hằng” bởi bà và chị Hằng vẫn luôn tỏa sáng dõi theo cháu với bao hy vọng hướng về con trẻ với một tương lai mở ra từ cội nguồn sâu thẳm.