Cả cuộc đời hy sinh vì con cái, đến khi về già nhu cầu vật chất giảm dần hoặc đã không còn là nỗi bận tâm thì đôi khi người cao tuổi (NCT) lại thiếu thốn về đời sống tinh thần...
Người cao tuổi nên tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để cuộc sống có thêm niềm vui
Mỗi nhà mỗi cảnh
Cụ Nguyễn Quang H. (83 tuổi) ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) có 6 người con, 3 trai, 3 gái, nhưng hai vợ chồng cụ ở riêng mà không ở cùng con cháu. Dù hầu hết các con cháu đều ở ngay trong làng thường ghé thăm ông bà, cha mẹ nhưng cũng có những lúc vợ chồng cụ H. cảm thấy cô đơn chạnh lòng, nhất là khi ốm đau thất thường, con cháu chưa kịp tới thăm nom. Căn nhà của cụ có lúc rộn rã tiếng cười, nhưng cũng có lúc chìm trong im lặng khi con cháu bận rộn với guồng quay của cuộc sống, người đi học, người đi làm không qua lại thăm nom thường xuyên.
Cụ Nguyễn Thị Đ. (85 tuổi) ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) có 5 người con, cụ có một căn nhà riêng ngay sát nhà của hai người con trai. Trước đây hai vợ chồng cụ Đ. ở cùng nhau, nhưng cụ ông đã mất cách đây vài năm nên cụ Đ. sống thui thủi một mình. Hằng ngày, cụ chỉ biết lấy niềm vui từ việc chăm bón vài luống rau nơi góc vườn, ngoài ruộng rồi đem bán. Công việc này đối với người ngoài 80 tuổi có phần vất vả nhưng với cụ nó là niềm vui, giết thời gian và cũng có thêm chút thu nhập.
Khi được hỏi tại sao cụ không ở cùng con cái để hưởng an nhàn tuổi già, đỡ phần vất vả, cụ bảo: "Tuổi già nên nếp sinh hoạt cũng khác nhiều, người già thường ăn sớm, nghỉ ngơi sớm, trong khi con cháu đi làm về muộn, 7 rưỡi, 8 giờ tối mới bắt đầu bữa cơm tối. Nếu ở cùng thì phải phụ thuộc giờ giấc sinh hoạt nên tôi ở riêng để vừa chủ động, vừa thoải mái".
Tuy ngay sát nhà là thế nhưng cũng ít khi cụ Đ. có dịp trò chuyện cùng con cháu. Một phần bởi con cháu đi làm cả ngày, mỗi khi nói chuyện, cụ hay kể về những câu chuyện ngày xưa, nghe đến đó các con cháu lại thường than phiền cho rằng cụ than nghèo, kể khổ. Cả ngày cặm cụi với vài luống rau từ sáng sớm đến tối mịt nên cụ cũng không có thời gian đi gặp gỡ những NCT khác trong xóm, làng. Cuộc sống của cụ Đ. chỉ quẩn quanh từ nhà ra ruộng rồi trở lại nơi góc vườn, lủi thủi nấu ăn một mình, đôi khi muốn trò chuyện mà không biết nói cùng ai.
Quan tâm, thấu hiểu
Thực tế cho thấy những trường hợp như cụ H., cụ Đ. không hề hiếm gặp. Sự phát triển của cuộc sống hiện đại khiến cho mô hình gia đình hạt nhân trở thành xu thế, ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống. Xã hội xuất hiện nhiều trường hợp người già cô đơn dù đông con, nhiều cháu. Họ cô đơn về đời sống tinh thần, khi không tìm được sự thấu hiểu và sẻ chia từ con cháu.
Nguyên nhân xuất phát từ sự khác biệt trong quan điểm, suy nghĩ, lối sống giữa các thế hệ. Nếu như người già thường ăn uống, nghỉ ngơi sớm thì con cháu lại có xu hướng ăn uống, nghỉ ngơi muộn. Nếu người già thích cuộc sống tĩnh lặng thì con cháu thích lối sống cởi mở, hiện đại. Thanh niên sống với tương lai, còn người già lại thường sống với quá khứ, hay hoài niệm, nhớ về những câu chuyện xưa cũ, thế nên không ít trường hợp người già có nhu cầu chia sẻ, chuyện trò nhưng lại không được con cháu đón nhận. Đáng buồn hơn, có những trường hợp các con lại phân công thay phiên nhau chăm sóc cha mẹ. Mỗi người con sẽ nuôi cha mẹ trong một khoảng thời gian, sau đó lại luân phiên cho người con khác. Điều này dễ khiến người già tủi thân và tổn thương khi nghĩ rằng mình trở thành gánh nặng khi con cháu đùn đẩy trách nhiệm.
Theo ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, tỉnh ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Toàn tỉnh hiện có khoảng 252.000 NCT, chiếm 14% dân số. Các cấp, các ngành, tổ chức cần tăng cường các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ NCT lúc ốm đau bệnh tật, khó khăn, hoạn nạn. Nâng cao nhận thức của người thân, con cháu, dù có bận đến đâu cũng nên quan tâm nhiều hơn tới đời sống của NCT bằng các hành động cụ thể như đi về chào hỏi, thưa gửi, thường xuyên hỏi han, quan tâm để NCT cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong gia đình.
Trong những nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn tuổi già thì cũng một phần xuất phát từ chính bản thân NCT. Nhiều NCT giữ quan niệm "Lão giả an chi", người già yên phận, không để ý đến việc đời. Nhiều người lại mang trong mình mặc cảm khi nghĩ rằng mình đã tuổi cao, sức yếu, không còn quan trọng, không đóng góp được gì cho con cháu. Bản thân NCT không nên tự ti, an phận thủ thường mà nên tích cực tham gia các hoạt động dành cho NCT như tham gia tập dưỡng sinh, thể thao, văn nghệ, trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau; đồng thời đề cao trách nhiệm nuôi dạy con cháu. Sự tác động qua lại đó giúp họ vơi đi bớt nỗi cô đơn, hòa mình vào các hoạt động của xã hội.
Để người già vơi bớt nỗi cô đơn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành. Các con cháu phải thấu hiểu, động viên ông bà, cha mẹ. Chính bản thân NCT cũng cần có suy nghĩ, hành động tích cực để sống vui, sống khỏe, sống có ích.
HUYỀN TRANG