Đã 8 thế kỷ trôi qua nhưng truyền thuyết về việc muốn chữa “bệnh Phạm Nhan” phải lên đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) đổi chiếu vẫn được lưu truyền.
Bà Phạm Thị Đoan Trang, ở Hàng Kênh (Hải Phòng) về cửa đền đổi chiếu
Người về đổi… chiếu
Về đền Kiếp Bạc trong ngày diễn ra lễ cáo yết (lễ xin mở cửa đền khai hội), bà Phạm Thị Đoan Trang ở Hàng Kênh (Hải Phòng) nhanh chóng ra chợ hội Kiếp Bạc mua một manh chiếu mới rồi đem vào đền làm lễ xin đổi. Hỏi ra mới biết năm nào vào hội đền Kiếp Bạc bà cũng về để xin chiếu. Bà bảo: “Năm nào xin được chiếu gia đình sẽ an yên, bản thân tôi cũng thấy thanh thản”.
Còn cụ Phạm Thị Lượt, 84 tuổi, ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết ngày trước còn trẻ, năm nào cụ cũng về hội đền Kiếp Bạc. Giờ tuổi cao phụ thuộc con cháu sắp xếp được công việc để đưa đi cụ mới lại được đến cửa đền. Năm nay, cả gia đình cụ Lượt cùng trẩy hội, ra về cụ dặn các con mỗi gia đình mua lấy một manh chiếu mới. Hỏi lý do, cụ chỉ cười móm mém: “Thời chúng tôi đã về đến cửa đền là đều vào xin đổi chiếu, nếu không kịp đổi thì cứ ra cửa đền mua manh chiếu mới để lấy may, đã thành quen nên không mua thì thấy thiếu”.
Tục đổi chiếu ở đền Kiếp Bạc đã có từ rất lâu mà câu chuyện lưu truyền có phần kỳ bí về tích này đều được các bậc cao tuổi ở đây thuộc nằm lòng. Tích này gắn với chiến công của Hưng Đạo Đại vương đánh giặc Nguyên Mông. Tướng giặc Phạm Nhan vốn có nhiều yêu phép và tàn độc đến nỗi “đi tới đâu cỏ không mọc được tới đó”. Nhưng khi mang quân sang đánh chiếm nước ta, cùng với đội quân Nguyên Mông, hắn bị lọt vào trận địa cọc ngầm trên sông Bạch Đằng và cuối cùng phải chết dưới lưỡi gươm báu của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Uất hận, Phạm Nhan hóa làm tà thần đi khắp nơi quấy nhiễu dân lành, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ... Ai bị giặc này quấy rối đều khó trị, dân gian gọi đó là “bệnh Phạm Nhan”. Ở địa phương ai mắc bệnh này đều đến Vạn Kiếp cầu cứu Hưng Đạo Đại vương. Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi đều biết. Sau khi ngài mất, người bị bệnh ở muôn phương vẫn tìm về đền Kiếp Bạc làm lễ cầu xin Đức Thánh giải trừ.
Chiếu ở chợ hội đền Kiếp Bạc hút khách hàng
Giáo dục về đạo lý
Còn lưu giữ một số tấm hình về hội đền Kiếp Bạc những năm 40 của thế kỷ trước do người Pháp chụp, ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thông tin, trong bức ảnh cho thấy ngoài chiếu, tiểu thương còn bày bán rất nhiều chai, lọ. Qua tìm hiểu được biết, ngoài chữa “bệnh Phạm Nhan” bằng tục đổi chiếu, người dân thời ấy còn đến đền Kiếp Bạc xin nước ở giếng Mắt Rồng uống để mong khỏi bệnh.
Ngày nay, tục đổi chiếu hay lấy nước giếng Mắt Rồng không còn phổ biến như trước, nhưng nhiều người dân về cửa đền vẫn giữ thói quen mua chiếu cầu may và cho trẻ nhỏ khó nuôi, nghịch ngợm… nằm chiếu này. Hơn 10 năm nay mang chiếu bày bán ở đền Kiếp Bạc, chị P.T.N. quê ở tỉnh Thái Bình cho biết năm nào nhu cầu mua chiếu của du khách ở đây cũng cao nên những người bán cho tập kết chiếu về với số lượng lớn ngay ngày mở cửa đền. Nhưng không phải vì đông khách mà những người bán "hét" giá. "Vui lòng người bán, vừa lòng khách mua, bán được nhiều chiếu cũng là cách chúng tôi được hưởng lộc từ cửa ngài", chị N. nói.
Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng tích về giết giặc Phạm Nhan của Hưng Đạo Đại vương vẫn vẹn nguyên ý nghĩa. Ngày nay, người dân 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn (xã Hưng Đạo) vẫn hay kể cho con cháu đời sau về tích này để răn dạy, giáo dục con cháu phải sống tử tế, không gây ra tội ác. Còn về tục đổi chiếu, ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nói: "Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà chúng tôi cũng như địa phương đều muốn gìn giữ. Đây cũng là yếu tố thu hút du khách khi về dự hội nên Ban Quản lý di tích quán triệt các tiểu thương phải bán đúng giá, tránh hiện tượng hét giá, gây phản cảm".
HUYỀN ANH