Tứ Kỳ thích ứng xâm nhập mặn

07/04/2023 14:21

Đối phó tình trạng xâm nhập mặn, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đang triển khai nhiều giải pháp.


Nông dân xã Nguyên Giáp chuyển sang trồng rau ngót để giảm ảnh hưởng của xâm nhập mặn

Mấy năm gần đây, một số xã ven sông của huyện Tứ Kỳ thường xuyên xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng này, địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng.

Độ mặn tăng

Theo đánh giá của Trạm Quản lý công trình Cầu Xe - An Thổ, thời gian qua, mực nước ở cống Cầu Xe, An Thổ xuống thấp, độ mặn đo được ngày càng cao. Từ năm 2004-2019, độ mặn tại cống Cầu Xe, An Thổ đo được chỉ ở mức 0,3- 0,4‰, nhưng từ năm 2020 đến nay, độ mặn ngày càng tăng và thời gian nhiễm mặn kéo dài hơn.

Vụ đông xuân năm 2020, độ mặn cao nhất đo được ở hai cống này đạt mức 3,9‰, năm 2021 là 3,8‰, năm 2022 đạt 3,3‰ và đỉnh điểm đầu năm nay lên đến 6,6‰. Số ngày bị nhiễm mặn cũng tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2020, thời gian nhiễm mặn chỉ kéo dài 6 ngày thì đến đầu năm 2023 đã lên tới 43 ngày.

Tình trạng xâm nhập mặn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của một số địa phương trong huyện. Vụ đông xuân năm 2020, xã An Thanh có hơn 130 ha lúa ngoài bãi sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất lúa giảm từ 15-20% so với các vụ trước. Bà Nguyễn Thị Hà (ở thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh) cho biết: “Lúa nhà tôi đang trong giai đoạn đẻ nhánh, ra thăm đồng thấy cứ lụi dần, nõn chuyển đen và thối. Ban đầu cứ tưởng lúa bị bệnh nhưng sau mới biết bị nhiễm mặn. Vụ đó, tôi chỉ thu vài chục cân thóc. Vụ này hơn 2 sào lúa ngoài bãi sông cũng có biểu hiện chậm phát triển do nhiễm mặn nhẹ”.

Tại xã Hà Thanh cũng có không ít diện tích lúa và cây vụ đông bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm mặn làm giảm năng suất, chất lượng. Vụ đông xuân năm nay, địa phương có khoảng 20 ha lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, chủ yếu trên những chân ruộng cao.


HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh đã gieo cấy thử nghiệm giống lúa Tiền Hải 1 và mở rộng giống lúa ST25 để thích ứng với xâm nhập mặn

Nhiều giải pháp

Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nhất là mức độ xâm nhập mặn ngày càng tăng và kéo dài, huyện Tứ Kỳ đã chủ động hướng dẫn nông dân tìm các giải pháp thích ứng.

Gia đình bà Phạm Thị Lan (ở thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp) đã chuyển 2 sào lúa sang trồng rau ngót. Bà Lan cho biết: "Mấy năm nay nước vụ đông xuân hay bị nhiễm mặn, chuột phá hại nhiều nên tôi quyết định chuyển sang trồng rau ngót. Cây này chịu được hạn, mặn lại cho thu hoạch quanh năm không lo chuột phá hại”.

Mấy năm gần đây, nông dân ở các xã ven sông của huyện Tứ Kỳ cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh ảnh hưởng của nhiễm mặn. Một số nông dân chuyển sang trồng chuối, cây ăn quả để hạn chế ảnh hưởng. Một số diện tích không thể chuyển đổi sang cây trồng khác, các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động đưa các giống lúa mới phù hợp vào canh tác. Theo ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh, thích ứng là giải pháp tốt nhất để đối phó tình trạng xâm nhập mặn. HTX đã cấy thử nghiệm khoảng 10 ha giống lúa Tiền Hải 1. Đây là giống có khả năng chịu mặn tốt lại cho chất lượng gạo khá ngon. Ngoài ra, giống ST25 đang được canh tác phổ biến tại địa phương cũng đã được khuyến khích mở rộng, bởi đây là giống có khả năng chịu mặn tốt, chất lượng gạo ngon, phù hợp đồng đất địa phương.


Cán bộ Trạm quản lý công trình Cầu Xe - An Thổ thường xuyên đo độ mặn tại hai cống Cầu Xe và An Thổ để điều tiết hệ thống thủy lợi phù hợp

Nhiều năm đối phó xâm nhập mặn, ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh cho biết phải nắm được quy luật để thích ứng kịp thời. Nước bị nhiễm mặn thường xuất hiện khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau. Do đó, ngay từ khi lấy nước đổ ải đã phải chú ý theo dõi độ mặn. Ngoài ra, theo kinh nghiệm cứ sau 3-4 ngày các hồ thủy điện xả nước để đổ ải thì độ mặn trong nước giảm, khi đó có thể mở cống dưới đê lấy nước trữ vào hệ thống kênh trong đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, để đối phó với xâm nhập mặn, huyện đã chỉ đạo các xã ven sông theo dõi sát sao tình hình nhiễm mặn tại các cửa cống, tuyệt đối không lấy nước vào hệ thống kênh nội đồng khi độ mặn cao. Về lâu dài, huyện có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thử nghiệm một số giống cây phù hợp ở những vùng dễ bị nhiễm mặn. Giải pháp nữa là hoàn thiện hơn hệ thống thủy lợi thông qua việc nâng cấp cống dưới đê, đề xuất cải tạo cống An Thổ để điều tiết nước, chống xâm nhập mặn hiệu quả. 

HẢI MINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ thích ứng xâm nhập mặn