Là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, những năm gần đây, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã khai thác thế mạnh này để quảng bá hình ảnh địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao.
Năm nào cũng vậy, cứ đến "tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm" gia đình chị Lưu Thu Hà ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) lại cho con về xã An Thanh (Tứ Kỳ) trải nghiệm. Không chỉ các bé mà chị Hà cũng thích tự tay cầm vợt bắt rươi. Chị Hà cho biết: "Những trải nghiệm này rất hữu ích, giúp bé gần gũi thiên nhiên, xa rời máy tính, điện thoại. Được vận động, cơ thể cũng nhanh nhẹn hơn. Cảnh quan, thiên nhiên ở đây trong lành, thoáng đãng, phù hợp với việc đi chơi, dã ngoại. Kiến thức thực tế cũng giúp các bé trong học tập".
Đã 3 năm nay, huyện tổ chức ngày hội lúa, rươi hữu cơ gắn với hội thi nấu mâm cơm từ đặc sản của địa phương. Xã An Thanh cũng 4 lần tổ chức thi đùa nơm, bắt cá. Hoạt động này đã tuyên truyền, quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân An Thanh, thu hút ngày càng đông người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Đây là hoạt động đặc thù ít địa phương thực hiện được.
Khi đến với làng nghề truyền thống thêu ren Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo), du khách được chiêm ngưỡng những sản phẩm thêu tay và trực tiếp cầm kim thêu. Nhiều người tò mò khi nhìn những bức tranh thêu bằng chỉ nhưng giống y như ảnh chụp. Từng đường kim, mũi chỉ hòa quyện vào nhau khiến người xem mê mẩn. "Nhìn những mũi kim thoăn thoắt đưa lên, xuống, tôi mới thấy được sự cầu kỳ, tỉ mỉ, điêu luyện của những người làm nghề thêu. Tôi cũng thử nhưng không thể làm được", chị Nguyễn Thị Vân ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) chia sẻ.
Tứ Kỳ nằm ở phía đông nam của Hải Dương. Đây là vùng châu thổ hạ lưu sông Thái Bình. Vị trí địa lý đặc biệt giáp với cửa biển Thái Bình và sông Văn Úc đã khiến các xã An Thanh, Quang Trung, Chí Minh, Nguyên Giáp, Bình Lãng, Hà Thanh có nguồn nước lợ. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây, người dân đã canh tác nông nghiệp bền vững với 5 tầng khai thác, dưới đất là rươi, bờ ruộng nuôi cáy, lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả. Không chỉ khai thác lợi thế vùng ven sông, sau khi cống Sồi (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung) được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, người dân đã mở rộng diện tích vùng sản xuất hữu cơ khu vực trong đồng thêm 294 ha, nâng tổng diện tích vùng khai thác hữu cơ của địa phương lên gần 570 ha.
Để du khách khi đến với xã An Thanh không còn cảm thấy xa xôi, khó khăn bởi giao thông, năm 2023, địa phương đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường trục xã dài 2,7 km, xây dựng đường dẫn cầu Sồi dài 760 m. Năm 2024, mở rộng, nâng cấp, cải tạo đường trục xã đoạn từ đường 391 vào khu dân cư Cao Thắng (thôn Thanh Kỳ) dài trên 500 m; lắp đặt biển chỉ dẫn vào bãi rươi cáy, khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao xã An Thanh. Địa phương phát động trồng được 2.000 m2 cỏ hồng ven khu vực cống Sồi, 500 cây hoa ban và 2 km đường hoa các loại để tạo cảnh quan môi trường phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm. "Khi xây dựng công trình từ đường giao thông, đài liệt sĩ, đến cống… chúng tôi đều gắn liền với phát triển du lịch, để du khách đến bất kỳ đâu của An Thanh cũng có thể trải nghiệm, check-in được", ông Phạm Văn Thiệp, Chủ tịch UBND xã An Thanh chia sẻ.
Tứ Kỳ còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Huyện hiện có 26 di tích lịch sử cấp quốc gia và tỉnh, nhiều làng nghề truyền thống.
"Phát huy lợi thế đó, thời gian qua huyện Tứ Kỳ và các địa phương đã đầu tư kinh phí lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng nhân lực… để biến những tiềm năng về nông nghiệp hữu cơ và du lịch thành hiện thực", chị Trương Thị Toan, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Tứ Kỳ cho biết.
Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn đã số hóa thông tin 26 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các di tích này được đăng tải trên cổng, trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn. Du khách có thể truy cập, xem thông tin chi tiết, đầy đủ về từng di tích đó với những hình ảnh sống động.
Nhằm tạo điểm nhấn với khách du lịch tâm linh, thời gian qua, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, xã Hưng Đạo đã đầu tư 15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích đình Lạc Dục. Tháng 5/2023, UBND tỉnh đã công nhận đình - đền Lạc Dục là điểm du lịch. Đây cũng là điểm du lịch đầu tiên của huyện. Qua đó đã làm tăng giá trị của di tích, thêm sức hấp dẫn với du khách.
Năm 2022, UBND huyện đã hoàn thành tuyến đường kết nối từ đường 391 đến làng nghề thêu ren Xuân Nẻo. UBND xã Hưng Đạo huy động nhân dân trải nhựa mặt đường, làm rãnh thoát nước và lắp điện chiếu sáng cao áp tuyến đường trục xã đi qua các thôn Ô Mễ, Xuân Nẻo. Phát động cả 3 thôn trồng hoa ven trục đường xã và trồng hoa, cây xanh ven trục đường 391 tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
UBND huyện Tứ Kỳ đã hoàn thành tuyến đường vào lăng bà Bổi Lạng (Bình Lãng) từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đồng thời lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng mở rộng di tích lăng bà Bổi Lạng và tu bổ, tôn tạo các hạng mục nghi môn, lăng, nhà tiền tế, hậu cung, tường bao, kè đá…
Cùng với đầu tư hạ tầng, việc bồi dưỡng nhân lực cho du lịch cũng được huyện quan tâm. Năm qua, huyện tổ chức 6 hội nghị tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch, hướng dẫn du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch cho hơn 600 lượt cán bộ, công chức, cộng tác viên du lịch… Thành lập nhóm "Cộng tác viên du lịch" thu hút nhiều người là giáo viên, những người yêu thích hoạt động du lịch tham gia.
Chị Phạm Tú Phương, giáo viên Trường Mầm non An Thanh, thành viên của nhóm "Cộng tác viên du lịch" xã An Thanh chia sẻ :"Tôi thường xuyên được tập huấn kiến thức về du lịch, cách đón tiếp, giới thiệu cho du khách. Bản thân tôi cũng tích cực đọc thêm sách, tài liệu liên quan đến mảnh đất An Thanh. Tôi rất thích thú khi làm công việc này vì đã mang những nét đẹp quê hương đến gần du khách hơn".
Tứ Kỳ thu hút được 2 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch là Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Đất Việt Travel, Công ty TNHH Du lịch Kato Travel. Các công ty phối hợp với huyện xây dựng được 1 tour du lịch nội huyện gồm điểm du lịch đình, đền Lạc Dục - làng nghề thêu ren Xuân Nẻo (Hưng Đạo) - khu khai thác rươi, cáy xã An Thanh.
Cùng với đó, huyện Tứ Kỳ còn xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng làm quà khi du khách đến tham quan, trải nghiệm ở những vùng đất này. Hiện gạo ST 25, các sản phẩm mắm cáy, rươi các loại của xã An Thanh, sản phẩm thêu ren của làng nghề Xuân Nẻo (Hưng Đạo) đã được nhiều du khách mua về thưởng thức, làm quà tặng người thân.
Bên cạnh những tiềm năng và sự cố gắng của các cấp, ngành để phát triển Tứ Kỳ thành vùng du lịch sinh thái bền vững, trong quá trình thực hiện, các địa phương này gặp những khó khăn nhất định. Ông Phạm Văn Thiệp, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết thêm dù có nhiều điều kiện phát triển như vậy nhưng đến nay ở An Thanh vẫn chưa có khu dịch vụ, nghỉ dưỡng đủ tầm níu chân du khách. Một số tuyến đường chưa đồng bộ, nhân lực chất lượng cao dành cho hoạt động du lịch cũng chưa có.
Còn theo bà Phạm Thị Hòa, một nghệ nhân làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, hiện nay xã Hưng Đạo chưa có nơi trưng bày sản phẩm của làng nghề dẫn đến việc chưa quảng bá được hết vẻ đẹp của các tác phẩm thêu. "Không chỉ nhà tôi mà một vài cơ sở khác cũng chật chội. Khách đến tham quan, trải nghiệm phải lựa chỗ đứng, chỗ ngồi. Không có chỗ trưng bày sản phẩm nên khách muốn xem nhiều lúc phải trải tranh xuống sàn nhà, làm mất giá trị của bức tranh và bị đánh giá không chuyên nghiệp", bà Hòa nói.
Thời gian tới, Tứ Kỳ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, công trình ở các vùng có nhiều lợi thế, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Xây dựng những sản phẩm đặc thù của vùng hữu cơ để vừa nâng cao giá trị, vừa tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng… Địa phương cũng mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của tỉnh để nơi đây thành vùng sản xuất hữu cơ gắn liền với du lịch sinh thái nổi tiếng của Hải Dương.
THANH HÀ