Tứ Kỳ bảo vệ hàng tre chắn sóng

18/02/2020 15:20

Tứ Kỳ là địa phương tiêu biểu của tỉnh trong trồng và bảo vệ hàng tre chắn sóng nhờ thực hiện hiệu quả việc giao khoán cho người dân.


Người dân phát quang, cắt tỉa cành tre già, sâu để tre phát triển tốt

Giao cho dân

Gần chục năm nay, chị Đặng Thị Thủy ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo nhận thầu hơn 3 mẫu đất ở ngoài bãi đê hữu sông Thái Bình để nuôi cá và trồng chuối. Cũng ngần ấy năm chị nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ hàng tre ven đê. Đến nay, hàng tre chắn sóng chị đảm nhận đã dài gần 300 m. Trước đây, tre ít, người dân lại chặt phá nhiều, có bụi tre bị đốt sạch chỉ còn trơ gốc. Từ ngày ra bãi làm kinh tế, cứ dịp đầu xuân, thời tiết mưa phùn là vợ chồng chị lại nhân mống tre để trồng.

"Thời gian đầu, do không có người ở đây thường xuyên nên tre bị một số đối tượng chặt phá. Từ ngày vợ chồng tôi ra đây ở hẳn thì không còn hiện tượng này. Trước đây, tre mới trồng phải chăm sóc thường xuyên nhưng nay hàng tre đã gần chục tuổi, chỉ cần thi thoảng phát quang những cành sâu, cỏ dại mọc lẫn vào bụi để tre phát triển xanh tốt", chị Thủy nói.

Cũng như gia đình chị Thủy, hộ anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Sơn nhận khoán bảo vệ hàng tre ngay trước cửa nhà. Anh Trường cho biết: "Hàng tre có từ thời ông bà để lại, đến nay gia đình tôi tiếp tục nhận chăm sóc và bảo vệ hơn 50 m. Gia đình tôi cũng được nhận hơn  1.000 m2 đất bãi ngoài đê để trồng chuối. Lợi về kinh tế không nhiều nhưng việc bảo vệ hàng tre chắn sóng có vai trò quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão".

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết toàn xã có khoảng 4 km đê hữu sông Thái Bình. Riêng việc trồng tre, xã đã giao khoán cho 60 hộ dân sinh sống ven đê. Trước đây, việc trồng và chăm sóc tre chưa tốt, nhiều bụi bị chặt phá nghiêm trọng. Khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết người dân đều có ý thức bảo vệ tre chắn sóng. Từ khi giao khoán cho các hộ dân trồng, chăm sóc và bảo vệ, tình trạng chặt phá tre đã chấm dứt hẳn. Đây là một trong những xã có hàng tre chắn sóng đều và đẹp của huyện.

Giám sát chặt chẽ

Huyện Tứ Kỳ có hơn 37 km đê thì 24 km đã được trồng tre chắn sóng. Đến nay, hàng tre chắn sóng đã phát triển ổn định và có tuổi từ 10 năm trở lên. Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ đã ký hợp đồng giao khoán tre cho 241hộ ở tất cả các xã ven đê thuộc 2 tuyến đê hữu Thái Bình và tả sông Luộc. Theo hợp đồng, việc trồng, chăm sóc tre được giao cho các hộ dân. Chính quyền và Hạt Quản lý đê giám sát chặt chẽ. Người dân ký hợp đồng chăm sóc tre sẽ được thầu luôn diện tích đất bãi ngoài đê để trồng cây ngắn ngày có giá trị kinh tế.

Trồng tre chắn sóng tuy không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ các tuyến đê. Điển hình như năm 1996, tuyến đê của huyện Tứ Kỳ bị đe dọa nghiêm trọng, sắp bị vỡ. Sau đợt ấy, chính quyền địa phương và người dân nhận ra rằng đoạn nào có tre chắn sóng thì đê được bảo vệ khá vững chắc, chỗ nào không có tre, nguy cơ vỡ đê khi nước lũ dâng là rất cao.

Chính quyền địa phương đã tích cực cùng Hạt Quản lý đê của huyện giám sát chặt chẽ việc bảo vệ hàng tre chắn sóng. "Trước đây, tình trạng chặt phá tre diễn ra phổ biến nhưng nay không còn. Chính quyền các xã nhiều lần kiên quyết xử lý mạnh các trường hợp chặt phá tre chắn sóng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức.

Những hộ nào ký hợp đồng nhưng không bảo vệ được hàng tre chắn sóng sẽ bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Do thực hiện tốt khâu giám sát và tuyên truyền nên những năm gần đây, tình trạng chặt phá tre trong huyện không còn, người dân đều có ý thức bảo vệ tre chắn sóng", ông Nguyễn Công Thân, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ nói. 

Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, việc giao khoán tre cho người dân được thực hiện từ rất lâu. Nhưng tại một số địa phương do buông lỏng quản lý, giám sát nên vẫn xảy ra tình trạng chặt phá tre. Chỉ riêng huyện Tứ Kỳ do làm tốt khâu quản lý nên hàng tre chắn sóng được chăm sóc và bảo vệ hiệu quả nhất.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ bảo vệ hàng tre chắn sóng