Lao động - Việc làm

Tự hào may cờ Tổ quốc

HUYỀN TRANG 01/09/2024 15:00

Không chỉ đơn thuần là một nghề mang về thu nhập, những người thợ may cờ Tổ quốc tại các xưởng may ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện, Hải Dương) còn cảm thấy tự hào khi đã góp phần lan tỏa lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

00:00

img_1092.jpg
Việc may cờ Tổ quốc đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo

Cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ

Xã Đoàn Tùng hiện có 3 xưởng may cờ Tổ quốc. Công việc quanh năm nhưng cứ vào mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, dịp lễ 30/4, 1/5 và Quốc khánh 2/9, người lao động tại các xưởng này lại tất bật hơn bởi các đơn đặt hàng tăng mạnh. Từ những xưởng này, hàng trăm nghìn lá cờ đã đến mọi miền đất nước, tung bay từ nơi biên giới đến hải đảo xa xôi.

Xưởng may mặc của chị Lê Thị Liên ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng may cờ Tổ quốc từ năm 2012. Để may những lá cờ đẹp, đúng quy cách, người thợ phải trải qua nhiều năm làm nghề và có đôi bàn tay khéo léo qua từng đường kim, mũi chỉ và quan trọng hơn cả là phải tâm huyết, yêu nghề. "Việc may cờ Tổ quốc, cờ Đảng phải bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định về kích cỡ. Khâu chọn vải cũng quyết định phần lớn đến chất lượng lá cờ, vì thế các xưởng may phải lựa chọn vải đẹp, không bai nhão để lá cờ bền với mưa, nắng", chị Liên cho biết.

Chị Liên nhớ lại, hơn 10 năm trước, khi bắt tay vào may những lá cờ Tổ quốc đầu tiên, chị gặp không ít khó khăn, nhiều lần phải tháo ra, may lại. Dần dần nhờ học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, chị Liên đã trở thành thợ may lành nghề, dày dạn kinh nghiệm.

Lá cờ Tổ quốc có diện tích lớn nhất chị Liên từng may lên đến 54m2 biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam. Những lá cờ lớn thường được các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng làm quà tặng. Tuy nhiên, chị chỉ dám may lá cờ có diện tích lớn khi công việc của xưởng may không quá bận rộn. Bởi lẽ để may một lá cờ lớn cỡ này đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, chắp nối vải… Vài năm trở lại đây, xưởng của chị Liên đã đầu tư thêm máy cắt lazer, máy lập trình… nhằm tăng độ chính xác và năng suất cao hơn.

Thêm động lực gắn bó với nghề

img_1120.jpg
Từ xưởng may nhỏ, những lá cờ Tổ quốc được đưa đến mọi miền đất nước

Cùng ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng, xưởng của chị Nguyễn Thị Tươi bắt đầu may cờ Tổ quốc khoảng 3 năm gần đây. Thời gian đầu, chị Tươi cũng không ít lần phải tháo ra may lại lá cờ. "Tôi đã đầu tư máy gia công vật liệu điện tử CNC gần 400 triệu đồng để phục vụ sản xuất”, chị Tươi nói.

Theo chị Tươi, dù được máy móc hỗ trợ nhiều trong các quá trình cắt, may, nhưng có những công đoạn máy móc không thể thay thế con người. Theo đánh giá của nhiều người thợ, việc khó nhất trong các công đoạn làm nên một lá cờ Tổ quốc là may ngôi sao vàng. Người thợ cần phải đặt vị trí ngôi sao ở tâm lá cờ, sau đó bằng bàn tay khéo léo và sự chuẩn chỉnh từ các mũi kim chỉ để tạo các đường may dứt khoát, thẳng tắp. Sau khi hoàn thiện, lá cờ không chỉ chính xác về các tiêu chuẩn, kích thước mà còn sắc nét, ngôi sao vàng phải phẳng và nổi bật trên nền cờ đỏ.

Hiện nay, xưởng của chị Tươi có 4-5 lao động thường xuyên. Sắp tới Quốc khánh 2/9, xưởng của chị lại tất bật với các đơn đặt hàng may cờ Tổ quốc ở khắp mọi miền. Mỗi dịp cao điểm, xưởng của chị cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 lá cờ. Đôi tay thoăn thoắt với những đường may thẳng tắp, chị Nguyễn Thị Hà-người từng có 5 năm may cờ Tổ quốc chia sẻ: “Mỗi khi xưởng vào cao điểm sản xuất, dù bận rộn nhưng chúng tôi vui lắm, bởi lẽ đôi bàn tay của mình đã góp phần may những lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. Từ xưởng may nhỏ, lá cờ sẽ tung bay trước cửa nhà các hộ dân, ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học…”.

Khi nhìn thấy những lá cờ Tổ quốc được treo rợp đường làng, ngõ phố vào mỗi dịp Tết, các ngày lễ của đất nước, những người thợ may như chị Liên, chị Tươi, chị Hà lại có cảm xúc khó tả và có thêm động lực để gắn bó với nghề.

HUYỀN TRANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự hào may cờ Tổ quốc