Có một nghịch lý vừa xảy ra trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
Đó là mặc dù mặt bằng chung điểm thi THPT quốc gia của thí sinh cao hơn năm trước nhưng nhiều trường đại học lại lấy điểm sàn thấp ở mức kỷ lục, nằm trong khoảng 12-13 điểm. Điều đáng nói là các trường lấy điểm sàn thấp tập trung ở nhóm các trường đại học vùng, đại học địa phương như Đại học Bạc Liêu, Đại học Đà Nẵng phân hiệu Kon Tum, Đại học Phú Yên, Đại học Đồng Tháp… Đây đều là các trường khó tuyển sinh nên việc đặt điểm sàn thấp là nhằm tuyển sinh được đủ chỉ tiêu và nhiều khả năng điểm trúng tuyển không cao hơn điểm sàn. Điều đó đồng nghĩa với đầu vào của các trường này chất lượng không cao, dẫn đến chất lượng đào tạo khó có thể tốt được.
Theo thống kê của chính các trường đã công bố, những trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm thấp nhất cũng rơi nhiều vào các trường đại học vùng, đại học địa phương như Đại học Hà Tĩnh (44,77%), Đại học Tây Bắc (49,49%), Đại học Phạm Văn Đồng (58,62%), Đại học Vinh (67%)… Khi sinh viên ra trường thất nghiệp càng đông thì trường lại càng khó tuyển sinh, phải hạ thấp tiêu chuẩn xét tuyển, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường đại học đặt tiêu chuẩn thấp mà vẫn khó tuyển sinh. Sau một số năm xảy ra thực trạng cử nhân đại học thất nghiệp nhan nhản, phải làm những nghề không phù hợp chuyên ngành đã được đào tạo, thậm chí không yêu cầu bằng cấp thì tâm lý sính bằng cấp, nhất định phải học đại học của phụ huynh và học sinh đã giảm nhiều so với trước đây. Mục tiêu kiếm được việc làm sau khi ra trường được đặt lên cao nhất nên học sinh dần có những lựa chọn thiết thực, đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình. Những học sinh có lực học tốt thường lựa chọn những trường có danh tiếng, chất lượng đào tạo tốt. Những học sinh có lực học trung bình có nhiều lối đi khác chứ không đổ xô vào các trường đại học tốp dưới, trong đó có nhiều đại học vùng, địa phương như trước đây. Vì vậy những năm gần đây, nhiều trường tuy lấy điểm sàn xét tuyển (sau đó cũng là điểm chuẩn trúng tuyển) thấp nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Có trường không dám công bố số thí sinh trúng tuyển do quá ít.
Để dễ tuyển sinh hơn, các trường sẽ không thể dùng mãi bài hạ thấp ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào mà phải nâng cao chất lượng đào tạo, nỗ lực định hướng, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi ra trường. Các đại học vùng, đại học địa phương nên phát huy thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị cần sử dụng lao động để đào tạo theo địa chỉ. Đa phần các đại học vùng, địa phương là đại học đa ngành nên các trường cần nghiên cứu, chú trọng phát triển những ngành mà thị trường lao động địa phương đang cần chứ không phải những ngành “hot” trên thị trường nói chung. Mỗi trường cũng nên tập trung nâng cao chất lượng một số chuyên ngành để tạo thương hiệu, bản sắc cho mình, qua đó cạnh tranh với các trường khác. Khi sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm bằng chính những kiến thức, kỹ năng được học trong trường thì tự động số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ tăng lên mà không cần các trường phải hạ thấp điểm sàn tới mức khó tin như vừa qua.
LAM ANH