Góc nhìn

Từ câu chuyện một người Hải Dương tử tế

THANH XUÂN 28/01/2024 07:00

Câu chuyện cựu chiến binh Trần Văn Dũng ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đi tìm lại ân nhân cứu mình mấy chục năm trước đã truyền cảm hứng về một người Hải Dương tử tế.

3d80a3422813834dda02-edited-1704197281477.jpeg.jpeg
Ông Trần Văn Dũng (trái) gặp lại ân nhân sau 35 năm. Ảnh: Đinh Thanh (Báo Dân Việt)

Tôi mới nhận được tin nhắn của người bạn về một người tử tế. Ông là cựu chiến binh Trần Văn Dũng ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Câu chuyện đi tìm ân nhân cứu mạng mình của ông đã được đăng tải trên báo chí.

Năm 1985, khi mới 19 tuổi, ông Dũng lên đường nhập ngũ, đóng quân tại xã Bản Bo, huyện Phong Thổ (nay thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Năm 1987, trong lúc đi làm nhiệm vụ qua suối, ông bị nước lũ cuốn trôi. Một người đã vớt được ông và cấp cứu kịp thời.

Khi tỉnh lại, ông Dũng hỏi người dân và được biết ân nhân cứu mình tên là Chăn, cùng tuổi, nhà ở bản gần suối của xã Bản Bo.

Năm 1988, ông Dũng được xuất ngũ trở về địa phương. Khi cuộc sống gia đình tạm ổn, từ năm 2000, ông Dũng đã nhiều lần dò hỏi địa chỉ ân nhân nhưng không có kết quả. Năm 2017, ông một mình đón xe lên Lai Châu nhưng do đã 30 năm trôi qua, địa hình xã, bản thay đổi, ông mất cả một tuần tìm kiếm cũng không thu được kết quả. Đến giữa năm 2022, ông lại lên Lai Châu lần 2 dò hỏi nhưng cũng không thành công.

Tháng 8/2023, ông Dũng tiếp tục đón xe khách đi tìm ân nhân. Sau mấy ngày lang thang ở xã Bản Bo và địa bàn lân cận, ông tình cờ được Công an xã Bản Bo hỗ trợ tìm được ân nhân từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bạn tôi nhận xét ngắn gọn về câu chuyện này: Cứu người thì nhiều nhưng người tìm lại cũng không nhiều đâu anh ạ! Câu chuyện bạn tôi và báo chí chia sẻ thật ấm áp, nó cũng giống như một câu chuyện truyền cảm hứng về lòng biết ơn, lòng tốt.

Việc ông Dũng làm tưởng dễ nhưng không nhiều người làm được.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta đều phải chịu ơn ai đó. Ơn lớn nhất là công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Rồi ơn những người thầy dạy dỗ. Ơn những người giúp đỡ mình trên đường đời muôn nẻo ai chả có lúc gặp khó khăn, vấp váp hay hoạn nạn. Có người giúp ta vô cùng hào hiệp ngay cả khi ta thuận lợi. Nhưng quý hơn là lúc khó khăn có người chìa tay ra với mình… Rồi có việc chúng ta nhớ, có việc chúng ta quên. Có những sự lãng quên khiến ta day dứt.

Hằng ngày, những câu chuyện về bội bạc, bất hiếu vẫn xuất hiện không hiếm trên báo chí, trong đời sống. Đáng chê trách tột cùng là vụ án 3 người con gái tưới xăng đốt nhà mẹ đẻ để đòi chia đất ở Hưng Yên. Hoả hoạn, người mẹ sau đó đã qua đời ở bệnh viện vì bị bỏng nặng. 2 người con cũng qua đời. 1 người còn lại lĩnh trên 20 năm tù về tội giết người và huỷ hoại tài sản.

Mấy năm nay, mạng xã hội đã giúp chúng ta kết nối, nhắc nhớ chúng ta nhiều việc, nhiều người trong quá khứ. Có những người tưởng như ta quên hoặc chưa có cơ hội gặp lại nhưng nhờ mạng xã hội đã tìm lại được. Những ký ức, kỷ niệm và sự giúp đỡ vì thế cũng được ôn lại.

Thời gian gần đây lại có thêm cơ sở dữ liệu quốc gia - sản phẩm từ Đề án 06 của Chính phủ giúp cho việc quản trị xã hội và tìm kiếm thông tin nhân khẩu dễ dàng hơn. Trường hợp ông Dũng - ông Chăn nêu trên là một ví dụ.

Xã hội ngày càng dễ kết nối hơn với vô vàn công cụ, phương thức, kết nối ngang, kết nối với quá khứ, thì lòng biết ơn càng có cơ hội nảy nở, khơi gợi và mọi người sống với nhau đẹp đẽ hơn.

Giúp người tức là không hy vọng người được giúp nhớ ơn. Những việc giúp người nên quên đi, còn việc ta được giúp thì phải nhớ. Đó là đạo lý vậy.

THANH XUÂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ câu chuyện một người Hải Dương tử tế