Đánh giá từ truyền thông khắp thế giới cho thấy đối đầu giữa Iran và Israel có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên và khu vực.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 2/10, cuộc tấn công tên lửa mới nhất của Iran vào Israel đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ truyền thông quốc tế, cho thấy cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này đã đạt tới một bước ngoặt mới.
Với khoảng 200 tên lửa được bắn từ Iran, dù nhiều tên lửa đã bị hệ thống phòng thủ của Israel đánh chặn, nhưng vẫn có những tên lửa rơi trúng các khu vực khác nhau của Israel. Theo thông tin từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cuộc tấn công này đã khiến một người thiệt mạng và gây ra nhiều thương tích do mảnh đạn. Vụ việc không chỉ đánh dấu một sự leo thang căng thẳng, mà còn khiến khu vực Trung Đông đứng trước những thách thức mới.
Nhận định của truyền thông quốc tế
Truyền thông quốc tế đồng loạt nhận định rằng cuộc tấn công này đã "làm nóng thêm" một trong những cuộc xung đột khu vực phức tạp nhất thế giới. Tờ The Guardian của Anh cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Iran cuối cùng đã chuyển từ những lời đe dọa sang hành động thực tế. Tờ báo nhận định rằng cuộc đối đầu này có thể là một phần của "cuộc chiến tên lửa đạn đạo" mà cả thế giới đang lo ngại từ lâu, và hậu quả của nó có thể vượt ra ngoài hai quốc gia này.
Tờ New York Times của Mỹ thì nhấn mạnh rằng đây có thể là "thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Đông". Tờ báo chỉ ra rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu toàn diện giữa Iran và Israel là rất cao, và không loại trừ khả năng sự can thiệp từ các cường quốc như Mỹ. Việc Mỹ có vai trò gì trong các động thái tiếp theo của Israel đang là điều khiến truyền thông Mỹ đặc biệt chú ý, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Trong khi đó, tờ Daily Mail của Anh gọi đây là "thời điểm kịch tính nhất" trong cuộc đối đầu giữa hai nước và cho rằng vụ tấn công này có thể là chất xúc tác cho một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông. Bên cạnh đó, tờ Figaro của Pháp cũng cho rằng rằng đây có thể là "bước ngoặt" trong cuộc xung đột, và lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei có thể đang muốn đưa ra một thông điệp răn đe tới Israel.
Hiệu quả của hệ thống phòng không
Một khía cạnh khác được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý là hiệu quả của các hệ thống phòng không trong việc đối phó với cuộc tấn công này. Al-Quds Al-Arabi, một tờ báo tiếng Arab, cho rằng vụ tấn công của Iran đã phơi bày sự bất lực của "các hệ thống phòng không phương Tây", đặc biệt là của Mỹ, trong việc ngăn chặn một lượng lớn tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm. Tờ báo này còn nhấn mạnh rằng Iran có thể đã sử dụng các tên lửa hiện đại nhất của họ trong cuộc tấn công, bao gồm cả tên lửa siêu vượt âm Fattah.
Cuộc tấn công cũng khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi về khả năng phòng thủ của Israel trước các cuộc tấn công tên lửa. Dù hệ thống phòng không của Israel đã thành công trong việc đánh chặn một phần lớn số tên lửa từ Iran, nhưng sự phá hủy của những tên lửa không bị chặn vẫn là một mối đe dọa đáng lo ngại. Vấn đề này được tờ New York Times nhận định là một trong những yếu tố có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn trong tương lai.
Theo The Guardian, mục tiêu của Iran trong cuộc tấn công này không chỉ là gây thiệt hại cho Israel, mà còn để khẳng định rằng Iran vẫn giữ vai trò quan trọng trong khu vực và là "thủ lĩnh của cuộc kháng chiến" trước áp lực từ các cường quốc phương Tây. Tờ Independent của Anh thì lưu ý rằng Israel vẫn có cơ hội để không trả đũa và tìm cách duy trì sự cân bằng trong khu vực. Tuy nhiên, việc Israel đang tăng cường các hoạt động quân sự tại Liban (Lebanon) khiến nhiều người lo ngại rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể muốn đẩy căng thẳng lên mức cao hơn.
Dưới góc nhìn của Al-Quds Al-Arabi, nếu Israel quyết định đáp trả mạnh mẽ, Iran có thể sẽ tấn công Israel bằng những loại tên lửa siêu vượt âm còn nguy hiểm hơn, gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng của Israel. Trong bối cảnh đó, tờ Independent cảnh báo rằng cuộc chiến tên lửa đạn đạo nếu tiếp tục leo thang sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho cả hai bên và cả khu vực Trung Đông.
Như vậy, cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel đã mở ra một chương mới trong cuộc xung đột kéo dài giữa hai quốc gia này, và truyền thông quốc tế đều nhất trí rằng tình hình hiện tại đang rất nguy hiểm. Tương lai của khu vực Trung Đông phụ thuộc nhiều vào các động thái trả đũa tiếp theo của Israel, cũng như vai trò của các cường quốc quốc tế như Mỹ.