Vấn đề đặt ra là làm thế nào để học cách thu của trường tư, tính toán các chi phí cần thiết đưa hết vào học phí để khỏi phải thu thêm các khoản khác.
Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, một vị trong lớp nói với tôi: “Con em hồi trước học trường tư, chỉ phải đóng mỗi học phí, ngoài ra không có khoản thu nào khác. Năm nay vào trường công mới thấy sao lắm khoản thu thế”. Tôi bảo vì học phí trường tư cao hơn trường công rất nhiều, mọi chi phí phục vụ việc dạy và học họ tính cả vào đó rồi. Trường công thì khác, học phí thu theo quy định của Nhà nước, không đủ trang trải việc đầu tư cơ sở vật chất và các việc “abc” nên mới phải “xã hội hóa” bằng cách vận động phụ huynh góp thêm. Cô ấy cười, nếu tính cả tiền học thêm, tiền đóng góp đầu năm và các khoản ủng hộ này nọ, tính bình quân ra chắc cũng không kém học phí của trường tư là bao.
Việc thu góp cần công khai, minh bạch, có thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh (Ảnh minh họa)
Lời của vị phụ huynh cùng lớp con tôi không phải không có lý. Từ nhiều năm nay, câu chuyện thu góp đầu năm học với các khoản mang danh “xã hội hóa” luôn là vấn đề khiến dư luận quan tâm. Năm học trước tôi đã làm một khảo sát nhỏ với một nhóm phụ huynh. Có tới 67% số người được hỏi nói rằng họ phải đóng góp từ 100.000 - 500.000 đồng ủng hộ nhà trường tu sửa cơ sở vật chất, mua hoặc sửa điều hòa, lắp ti vi… Đa số cho rằng mức đóng góp như vậy là hợp lý, nhưng cũng có tới 20% số người được hỏi cho rằng việc thu góp như vậy là bất hợp lý.
Năm nay, tuy chưa làm khảo sát, song từ nhiều nguồn thông tin, tôi biết rằng chuyện thu góp đầu năm học vẫn là vấn đề gây bức xúc. Đáng nói là những bức xúc này hầu hết đến từ các trường công, nơi mà đa số phụ huynh tin tưởng rằng con em mình sẽ được học ở môi trường tốt với chi phí thấp hơn trường tư.
Tôi nhớ, hồi mình học phổ thông, ngoài học phí, chúng tôi còn phải đóng một khoản có tên gọi “tiền xây dựng trường”. Tiền này dùng để các nhà trường đầu tư tu sửa cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Lẽ dĩ nhiên, ngoài 2 khoản này học sinh và cha mẹ học sinh không phải đóng thêm các khoản ủng hộ nhà trường như hiện nay. Tôi không nhớ chính xác vào năm nào thì các trường dừng việc thu “tiền xây dựng” để dồn tất cả các khoản đóng góp vào một khoản gọi là học phí, chỉ biết rằng những năm qua, câu chuyện học phí không đủ để trang trải các chi phí và cha mẹ học sinh phải hỗ trợ nhà trường thông qua các khoản quỹ ủng hộ khá phổ biến. Việc này cũng dẫn đến tình trạng lạm thu, thu sai quy định, thậm chí có nơi như ở Hải Phòng, có hiệu trưởng và thủ quỹ đã phải ra tòa, nhận án tù vì vi phạm trong thu các khoản đóng góp của học sinh.
Vấn đề đặt ra là, tại sao chúng ta không học cách làm của trường tư, tính toán các chi phí cần thiết đưa hết vào học phí để khỏi phải thu thêm các khoản râu ria? Có ý kiến cho rằng, làm như vậy học phí sẽ bị đội lên, tăng cao, có khi vượt cả mức trần mà Nhà nước quy định. Chẳng nói đâu xa, ngay khi UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đề xuất HĐND tỉnh xem xét việc tăng học phí năm học 2022-2023 này đã có nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội. Rất nhiều người cho rằng trong khi nhiều tỉnh đã thực hiện việc miễn học phí thì sao Hải Dương lại tăng học phí? Rốt cuộc HĐND tỉnh đã dừng việc thông qua nghị quyết về vấn đề này vào chiều 29.9.
Miễn học phí là chính sách ưu việt ở nhiều nước và ở nước ta, học sinh tiểu học đã được miễn học phí từ nhiều năm nay. Đối với cấp THCS, hiện cũng có nhiều tỉnh đã thực hiện được việc miễn học phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, không phải địa phương nào cũng đủ ngân sách để thực hiện miễn học phí ở nhiều cấp học nên chuyện vẫn phải đóng học phí là hết sức bình thường. Điều quan trọng là cần xác định mức học phí phù hợp để phụ huynh chỉ nộp một khoản gọi là học phí mà không phải đóng thêm các khoản gọi là “xã hội hóa” chỉ vì học phí không đủ trang trải. Không nên vì ham học phí thấp mà chấp nhận các khoản đóng góp cao ngoài học phí một cách không minh bạch.
HOÀI ANH