Giáo dục và đào tạo

Vì sao hơn 60 trường công ở Hà Nội hạ điểm chuẩn lớp 10?

T.H (theo VnExpress) 14/07/2024 14:44

Hơn một nửa số trường công lập hạ điểm chuẩn, nhiều nhất trong 5 năm qua, do trường chuyên thuộc đại học tăng chỉ tiêu, trường tư thêm sức cạnh tranh, theo các nhà giáo.

Học sinh Hà Nội hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, tháng 4/2024. Ảnh: Tùng Đinh
Học sinh Hà Nội hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 công lập, tháng 6/2024

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo 62/119 trường THPT công lập hạ điểm chuẩn lớp 10. Ngoài ra, trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng được tuyển bổ sung thí sinh toàn thành phố.

Kể từ năm 2019, khi Hà Nội thay đổi cách tuyển sinh lớp 10, đây là năm có nhiều trường hạ ngưỡng trúng tuyển nhất. Các năm trước, số trường hạ chuẩn khoảng 30-40, riêng 2022 chỉ 11, bằng 1/5 năm nay.

Một trong những lý do khiến số trường công tuyển bổ sung nhiều hơn là bốn trường chuyên thuộc đại học đồng loạt tăng chỉ tiêu, theo thầy Hoàng Chí Sỹ, hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa.

Hà Nội có 4 trường THPT chuyên thuộc đại học, gồm Sư phạm (trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Các trường này được tuyển thí sinh cả nước, song số trúng tuyển chủ yếu ở Hà Nội. Kỳ thi vào lớp 10 của nhóm này diễn ra trước và độc lập với kỳ thi của thành phố.

Năm 2024, các trường chuyên phải dừng tuyển sinh hệ không chuyên theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đảm bảo nguồn thu và số lượng học sinh phù hợp với cơ sở vật chất, nhân lực, cả 4 bốn trường đều tăng chỉ tiêu hệ chuyên.

Cụ thể, chỉ tiêu lớp 10 của trường chuyên Ngoại ngữ tăng 125, chuyên Sư phạm 105, chuyên Khoa học Tự nhiên 75, còn chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn 4; tổng cộng là 309.

"Một vài trăm học sinh so với tổng hơn 105.000 thí sinh thi lớp 10, nghe thì ít nhưng đây là nhóm giỏi, nhiều khả năng đỗ công lập, nên việc các em nhập học trường khác cũng kéo theo loạt trường công thiếu chỉ tiêu", thầy Sỹ nói. Thầy dẫn chứng 10/11 trường THPT ở khu vực 3 (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa) tuyển bổ sung. Bốn trường chuyên thuộc đại học đều ở khu vực này.

"Ví dụ, một trường thiếu 20 học sinh, hạ 0,25 điểm. Khi đó, 20 em này có thể rút hồ sơ tại những trường đã trúng tuyển bằng nguyện vọng 2, 3, khiến những trường này tiếp tục thiếu học sinh, lại phải hạ điểm", thầy Sỹ nói. "Một trường lấy thêm chục học sinh sẽ kéo theo 5-6 trường khác liên quan".

Tuy nhiên, dù số trường hạ chuẩn lớn, lượng học sinh được tuyển bổ sung cũng không nhiều - tương ứng với lượng chỉ tiêu tăng thêm của các trường chuyên. Điều này thể hiện bằng việc mức điểm hạ phổ biến là 0,25-0,5.

Hiện, Hà Nội có hơn 100 trường THPT tư thục, tập trung đông ở Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông. Theo thầy Trần Trọng Hà, hiệu trưởng THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, nhiều trường tư có chất lượng giáo dục tốt, cơ sở vật chất hiện đại nên tăng sức cạnh tranh với nhóm công lập. Không ít gia đình có điều kiện, con đỗ trường công, song vẫn chọn trường tư.

Chẳng hạn, Marie Curie cơ sở Mỹ Đình, Lương Thế Vinh, Archimedes đều lấy điểm chuẩn lớp 10 từ 40/50 trở lên, tương đương nhóm công lập top đầu của Hà Nội. Các trường này cũng thu hút học sinh giỏi bằng cách miễn học phí, trao học bổng hoặc giảm các loại chi phí, dịch vụ.

Dù vậy, cả hai hiệu trưởng đều cho rằng việc hạ điểm chuẩn là điều bình thường trong tuyển sinh.

Theo thầy Hà, việc xác định ngưỡng trúng tuyển "một lần ăn ngay" là rất khó trong bối cảnh Hà Nội có nhiều loại hình trường học (công lập, công lập tự chủ, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài...) cùng bốn trường chuyên thuộc đại học. Khi đó, học sinh cũng có nhiều lựa chọn hơn.

Chưa kể, các em được đặt ba nguyện vọng vào công lập. Trường THPT sẽ xét đồng thời ba nguyện vọng của thí sinh, chứ không ưu tiên tuyển hết những em đặt nguyện vọng 1 rồi mới tới 2, 3. Đó là lý do hàng loạt trường liên quan khi một trường hạ chuẩn, như ví dụ của thầy Sỹ.

"Do đó, 50 hay 60 trường hạ chuẩn đều không vấn đề gì", thầy Hà nhìn nhận. "Quan trọng là quyền lợi của học sinh được đảm bảo tối đa".

Hôm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tạo điều kiện thuận lợi để học sinh rút hồ sơ, nhập học bổ sung theo nguyện vọng.

Theo kế hoạch, học sinh trúng tuyển bổ sung sẽ nhập học trực tiếp từ ngày 13 tới 17h ngày 16/7. Riêng những học sinh đăng ký và đỗ vào trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng và Minh Quang sẽ nhập học ngày 29/7.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao hơn 60 trường công ở Hà Nội hạ điểm chuẩn lớp 10?