Một loạt các sự kiện được gói gọn trong một tuần lễ qua đã tác động đến tình hình khu vực Trung Đông theo những chiều hướng không thể lường trước.
Thậm chí có thể làm “lệch quỹ đạo” khu vực vốn được hình thành bởi những xung đột ngày một gia tăng giữa Iran, Israel và Saudi Arabia, giữa thủ lĩnh các giáo phái Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố Nhà Trắng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã đạt được với Iran. Tiếp đó, đầu tuần tới, Mỹ sẽ dời địa điểm Đại sứ quán tại Israel về Jerusalem, hành động được coi là khiêu khích cực độ tới những người Palestine trong bối cảnh hàng chục nghìn người dân biểu tình từ Dải Gaza tới khu vực biên giới Israel đòi quyền hồi hương.
Hạt nhân Iran
Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 năm 2015, một thỏa thuận đánh đổi giữa việc Tehran kìm chế chương trình hạt nhân để thoát khỏi lệnh trừng phạt.
Cộng đồng thế giới, và đặc biệt là các cường quốc đã bày tỏ sự phản đối về tuyên bố này của Nhà Trắng. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại ủng hộ quyết định này. Sự rút lui của Mỹ và khả năng đổ vỡ của bản thỏa thuận làm gia tăng quan ngại về sự leo thang quân sự, thậm chí dẫn đến nguy cơ chiến tranh. Giới chuyên gia cho rằng nếu thỏa thuận hạt nhân Iran “tan biến”, Tehan có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, cùng với đó sẽ là sự trả đũa từ Israel. Nguy cơ miệng hố chiến trang đang gần hơn bao giờ hết.
Mỹ-Israel-Iran và nguy cơ chiến tranh tại Trung Đông. Ảnh: Prensa Latina
Căng thẳng giữa Iran và Israel vốn đã “rất nóng”. Sau các nỗ lực nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria, những cuộc không kích được quy là do Israel tiến hành nhắm vào lực lượng quân đội Iran tại quốc gia Trung Đông này càng khiến tình hình căng thẳng leo thang, gia tăng các nguy cơ trả đũa từ Tehran.
Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẵn sàng chống lại sự xâm lược của Iran ngay cả khi cái giá phải trả là “một cuộc chiến”. Quân đội Israel đã được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu tại khu vực phía Bắc quốc gia Do Thái này.
Một số chuyên gia cho rằng ông Benjamin Netanyahu đang theo đuổi một tiến trình đầy rủi ro khi cố tìm cách phá hoại thỏa thuận hạt nhân, trong bối cảnh chính các quốc gia phương Tây cũng chưa hề có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Về phần mình, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani cho biết sẽ có một “khoảng thời gian ngắn” để đàm phán với các bên liên quan về việc tiếp tục duy trì thỏa thuận. Ông Rouhani cũng phát đi cảnh báo rằng Iran có thể sẽ khởi động quá trình làm giàu uranium quy mô nhất từ trước tới nay trong một vài tuần lễ tới nếu mọi thứ dường như chống lại Iran.
Tehran có thể tranh thủ sự ủng hộ từ các đồng minh trong khu vực, trong đó có lực lượng Hezbollah của Liban và lực lượng Hamas đóng tại Dải Gaza. Tuy nhiên, đây là những sự ủng hộ có giới hạn. Cả hai lực lượng này đều đã bị tổn thất trong các cuộc đối đầu xuyên biên giới với Israel trước đó.
Với Hezbollah, lực lượng được trang bị hàng chục nghìn tên lửa, hy vọng rằng có thể can thiệp và hòa nhập sâu hơn vào chính trị Liban. Đặc biệt là sau chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử đầu tiên sau 9 năm khủng hoảng tại Libanhồi đầu tuẩn qua. Những toan tính của lực lượng Hồi giáo vũ trang này có thể thay đổi nếu thành công trong việc thiết lập phòng tuyến quân sự tại phía Tây-Nam Syria, nơi lực lượng này có thể tiến hành công kích tên lửa mà không lo ngại ảnh hưởng đến dân thường.
Với phong trào kháng chiến Hồi giáo dòng Sunni Hamas, lực lượng vốn “chơi nước đôi” với quốc gia do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo Iran kể từ thời điểm lực lượng này chiếm giữ Dải Gaza năm 2007. Theo giới phân tích, dù có thể ủng hộ Iran tại thời điểm hiện tại, song Hamas cũng không muốn đối đầu với Israel. Lực lượng này đang trông mong vào các cuộc biểu tình chống đối tại khu vực Dải Gaza nhằm phá vỡ gọng kìm phong tỏa từ Israel và Ai Cập.
Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem
Vào ngày 14.5 tới đây, kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel và cũng là ngày Mỹ chuyển Đại sứ quán nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem. Động thái tiếp nối sự công nhận mà Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái rằng Jerusalem là thủ đô của Israel. Và đương nhiên, Israel rất hoan nghênh điều này.
Về phần mình, đối với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, hành động của Mỹ báo hiệu sự kết thúc cho những hy vọng rằng một ngày nào đó, Mỹ sẽ hối thúc Israel “nhượng” lại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza cùng khu vực Đông Jerusalem – những vùng đất bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 – cho Palestine.
Những người tiền nhiệm Tổng thống Trump cho rằng tuyên bố gây xung đột về Jerusalem cần giải quyết thông qua đàm phán. Trong một động thái phản ứng, chính quyền Donald Trump tuyên bố rằng sự thay đổi trong “chính sách Jerusalem” không cản trở các cuộc đàm phán về cách thức chia sẻ “thành phố thánh địa” này.
Trong chuỗi những động thái đáp trả phương Tây, nhà lãnh đạo Palestine đã đình chỉ các mối quan hệ với Mỹ, đồng thời cho rằng Washington không phù hợp để giữ vai trò trung gian duy nhất tại khu vực này. Ông Mahmoud Abbas tuyên bố Palestine sẽ tiến hành các bước đi cứng rắn nhằm chống lại Mỹ và Israel, song không tiết lộ chi tiết về các động thái cụ thể. Trong số các sự lựa chọn được Tổ chức Giải phóng Palestine xác nhận cuối tuần trước, Palestine sẽ đình chỉ sự công nhận của Israel về khu Đông Jerusalem, đồng thời có thể khởi động tiến trình phá bỏ các thỏa thuận hòa bình tạm thời đã đạt được từ những năm 1990.
Với Jordan, Quốc vương Abdullah II dường như đã “cam chịu” trước sự thay đổi chính sách đối với Đông Jerusalem của Nhà Trắng. Trước đó, Quốc vương Abdullah II đã khẳng định việc ủng hộ thiết lập thủ đô của Palestine tại Đông Jerusalem – thánh địa của Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do thái giáo. Theo giới chuyên gia, có thể Nhà Trắng sẽ tiếp tục duy trì vai trò “nhà giám sát” các thánh địa Hồi giáo và Cơ đốc giáo tại thành phố Jerusalem của Jordan.
Ngoài sự bảo đảmtrên từ chính quyền Donald Trump, Jordan, nơi phần lớn dân số là người gốc Palestine, cần thêm sự viện trợ từ Mỹ và sự khéo léo trong các mối quan hệ an ninh với Israel. Mặc dù có những phát biểu cứng rắn hồi đầu năm về vấn đề Jerusalem, thời điểm hiện tại Jordan đã chấm dứt chuỗi khủng hoảng ngoại giao với Israel, báo hiệu về một sự “chấp thuận ngầm” về vấn đề Đông Jerusalem từ phía Jordan.
Một số chuyên gia dự đoán, về vấn đề “đại sứ quán Jerusalem”, các quốc gia Arab (theo dòng Hồi giáo Sunni) có thể sẽ đưa ra các tuyên bố chỉ trích quyết định của Mỹnhằm xoa dịu tình hình nội bộ. Về vấn đề hạt nhân Iran, các phe phái được Arab Saudi hậu thuẫn đều ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ.
Biểu tình Dải Gaza
Vào ngày Mỹ di dời Đại sứ quán, lực lượng Hamas lập kế hoạch sẽ huy động một lượng người đông nhất từ trước tới nay tới khu vực biên giới Israel và Gaza. Đây là một phần trong các nỗ lực của lực lượng này nhằm phá vỡ sự chiến dịch phong tỏa Dải Gaza.
Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chính phủ Israel tại Dải Gaza. Ảnh: Sputnik
Dòng người biểu tình đã bắt đầu tập hợp tại khu vực này vào cuối tháng 3 vừa qua, ném đá và đốt lốp xe nhằm phản đối các chiến dịch phong tỏa tại khu vực biên giới Israel-Dải Gaza. Một số quan chức thuộc lực lượng Hamas cho rằng sự xung đột quy mô lớn tại khu vực biên giới này sẽ không thể tránh khỏi khi dòng người biểu tình tập trung ngày càng đông vào ngày 14.5 tới, ngày di dời Đại sứ quán Mỹ; và ngày 15.5, ngày mà người Palestine gọi là Nakba (ngày thảm họa).
Hơn hai phần ba trong số 2 triệu dân sống tại Dải Gaza là con cháu của những người tị nạn. Khó khăn từ các hoạt động phong tỏa Dải Gaza như cắt điện 16 giờ một ngày đến các lệnh cấm di chuyển, đã đẩy làn sóng người dân phản đối đến sát biên giới, bất chấp nguy hiểm từ các cuộc đụng độ với cảnh sát và quân đội từ phía Israel. Cho đến hiện tại, gần 50 người biểu tình bị thiệt mạng và hơn 1.700 người khác bị thương từ các cuộc chạm trán với lực lượng chính phủ Israel.
Khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn từ các cuộc nội chiến kéo dài, mới đây là cuộc tấn công bị quy là sử dụng vũ khí hóa học của quân đội Syria và cuộc không kích đáp trả của phương Tây diễn ra sau đó. Gần đây nhất là tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ Nhà Trắng và tuyên bố đáp trả từ phía Tehran rằng nước này sẽ làm giàu uranium quy mô lớn nhất chưa từng có, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bất ổn khu vực. Đầu tuần tới, việc Washington di dời Đại sứ quán tới Jerusalem sẽ một lần nữa kéo dài thêm chuỗi ngày đen tối tại Trung Đông, báo hiệu về những cuộc xung đột leo thang, thậm chí có thể bùng phát thành các cuộc thánh chiến.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)