Trên những cánh đồng màu mỡ, tư duy làm nông nghiệp xanh, không hóa chất đã dần thấm vào từng nếp nghĩ, cách làm của nhiều nông dân ở Tứ Kỳ. Để giữ rươi, cáy, những cánh đồng lúa hữu cơ ngày càng mở rộng, sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi cũng đã trở thành thương hiệu riêng của địa phương.
20 năm trước trên những bãi bồi ven sông Thái Bình ở huyện Tứ Kỳ, nông dân thường cấy một vụ lúa hom và vài giống lúa bản địa khác cho năng suất thấp để vụ sau khai thác rươi. Gạo làm ra cũng không có người thu mua, chỉ để làm thức ăn chăn nuôi.
7 năm trước, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh Phạm Xuân Luận cùng anh Nguyễn Văn Tuân quê ở làng Thanh Kỳ ngày nào cũng ra thăm đồng quan sát và ghi chép. Không biết họ tính toán những gì nhưng chỉ vài tháng sau, đồng đất thôn An Định (cùng xã An Thanh) đã thay đổi. Một số kỹ sư Nhật Bản, nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) về hướng dẫn nông dân quy trình thâm canh giống lúa mới theo hướng hữu cơ.
Anh Luận cho biết ngày đầu đưa giống lúa mới vào đồng đất An Thanh ai cũng ái ngại vì tập quán cấy lúa hom bao năm khó bỏ. Nhiều người lo sợ canh tác theo hướng mới sẽ khiến “rồng đất” biến mất nên không mạnh dạn làm.
Nhờ sự quyết tâm và tấm lòng của những người như anh Tuân, ông Soi, bà Đà, ông Thưởng … mà vùng lúa hữu cơ ở Tứ Kỳ dần hình thành.
Giờ đây nông nghiệp không hóa chất đã trở thành phương châm canh tác của bà con vùng bãi rươi. Những nông dân đi đầu đã trở thành nhân chứng sống để bà con nhiều vùng khác của huyện tự tin tiếp tục mở rộng diện tích lúa hữu cơ. Những giống lúa mới J01, J02 và ST25 đã được canh tác hiệu quả trên đồng đất nơi đây.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ khẳng định sản xuất lúa hữu cơ là hướng đi đúng của An Thanh và nhiều địa phương khác của huyện Tứ Kỳ. Nhờ những người đi trước mở đường mà hiện nay diện tích lúa hữu cơ của địa phương không ngừng mở rộng. Vụ đông xuân năm 2023, huyện có hơn 450 ha lúa hữu cơ, nhiều nhất tỉnh. Không chỉ đổi mới đồng đất, tìm hướng canh tác hiệu quả, anh Luận, anh Tuân còn giúp bà con kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu lúa, gạo hữu cơ với giá cao.
Vùng rươi của An Thanh cũng đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) công nhận các sản phẩm được sản xuất phù hợp Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Gạo hữu cơ bãi rươi là sản phẩm OCOP 3 sao.
"Sản xuất hữu cơ là cách tốt để nông dân Tứ Kỳ không đánh mất “lộc trời”. Rươi chỉ sống được trong môi trường trong sạch, không hóa chất". Ông Phạm Đình Soi, người có kinh nghiệm nhiều năm thâm canh lúa hữu cơ và khai thác rươi ở thôn An Định khẳng định chắc nịch như vậy bởi chính ông đã từng phải “nếm trái đắng” khi tiếc lúa bị bệnh mà dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ và kết quả vụ rươi năm đó thất thu. Ông Soi cho biết: “Không canh tác lúa theo hướng hữu cơ khó giữ được con rươi ở lại”.
Người dân Tứ Kỳ canh tác lúa hữu cơ một vụ để tạo môi trường tốt cho con rươi, con cáy phát triển. Tiến sĩ Phạm Đình Trọng, Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới đã từng về địa phương nghiên cứu và thấy rõ môi trường sạch là yếu tố quan trọng để duy trì, phát triển vùng rươi. Trong quá trình thực hiện Đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi rươi và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương", ông cũng đã chỉ cho nông dân biết nguyên nhân chính khiến sản lượng rươi ở Tứ Kỳ giảm mạnh.
Thấy rõ tác động tiêu cực của sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững và phụ thuộc vào hóa chất, nông dân vùng rươi Tứ Kỳ luôn nói không với thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa. Phân bón cũng phải là hữu cơ ủ mục hoặc phân vi sinh. Nông dân đồng loạt áp dụng phương thức gieo cấy, quản lý dịch hại IPM (phương thức quản lý dịch hại tổng hợp thân thiện với môi trường). Cấy thưa, đúng kỹ thuật. Điều đặc biệt, trên những bờ ruộng là những vạt hoa đủ sắc màu để dẫn dụ thiên địch, bảo vệ cây trồng. Mô hình ruộng lúa bờ hoa đã góp phần giúp cây trồng giảm sâu bệnh rõ rệt.
Bà Phạm Thị Đà ở thôn An Định cho biết: “Bây giờ chúng tôi làm cỏ bằng tay, bằng cào, bón phân vi sinh ủ mục. Môi trường sống trong lành không chỉ giúp con rươi ở lại với đồng đất quê hương mà nông dân cũng khỏe mạnh”.
Sự nỗ lực và thay đổi của bà con nông dân vùng bãi rươi ở Tứ Kỳ đã được đền đáp khi sản lượng rươi hằng năm tăng lên đáng kể. Năm 2022, sản lượng rươi ở Tứ Kỳ đạt xấp xỉ 250 tấn, tăng hơn 40 tấn so với vụ rươi năm trước đó. Năng suất, sản lượng cũng như giá trị lúa hữu cơ không ngừng tăng. Giờ đây lúa cấy hữu cơ làm ra đến đâu được doanh nghiệp thu mua hết đến đó ngay tại ruộng với giá cao.
Khát vọng phát triển lúa hữu cơ chưa dừng lại ở đó. Anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới, người con quê hương An Thanh chia sẻ ý tưởng: “Gạo bãi rươi được chứng nhận OCOP là cú hích để chúng tôi đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa. Đó không chỉ là những bát cơm ngon với thương hiệu gạo sạch mà còn là những sản phẩm được chế biến từ chính gạo hữu cơ bãi rươi. Tôi đã phải bỏ ra gần 100.000 đồng để mua một gói bánh ăn dặm làm từ gạo hữu cơ cho con được nhập khẩu từ Nhật Bản. Vậy tại sao chúng ta không tự sản xuất những sản phẩm tương tự để phục vụ người tiêu dùng trong nước với giá cả phù hợp. Thậm chí có thế tính tới xuất khẩu chính những sản phẩm này”.
Anh Tuân và Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh đang từng bước lên kế hoạch để hiện thực ý tưởng của mình. Anh Tuân cho biết: "Sau này chúng tôi sẽ hợp tác chế biến thành bún, bánh và những sản phẩm khác từ gạo hữu cơ. Nhưng trước mắt phải giúp bà con có thu nhập tốt từ chính đồng đất quê mình và gắn bó với phương thức canh tác này mới có thể thực hiện ý tưởng đó thành công”.
Sản xuất lúa hữu cơ của An Thanh nói chung và Tứ Kỳ nói riêng là hướng đi đúng, nhận được sự ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những khâu đột phá. Huyện đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm vệ sinh thực phẩm, gắn kết thị trường tiêu thụ. Tập trung nghiên cứu cơ chế hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất hữu cơ, trong đó lúa hữu cơ là sản phẩm chủ lực.
Ngoài khai thác lúa hữu cơ, rươi, cáy, huyện Tứ Kỳ còn tìm hướng để phát triển du lịch sinh thái nhằm khai thác nông nghiệp địa phương theo hướng đa tầng, đa giá trị. Với sự quyết tâm và đồng lòng, “mỏ vàng” nông nghiệp của Tứ Kỳ hy vọng sẽ được khai thác tốt.
d
Nội dung: LAN ANH
Đồ họa: PHÙNG BẢN