Sáng mai 1.3, trường học ở hầu hết tỉnh, thành đón học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ để phòng chống dịch COVID-19.
Áo trắng đến trường như tín hiệu vui cho cuộc sống dần trở lại bình thường và dịch bệnh đã "hạ nhiệt".
Trở lại trường, thầy trò cả nước còn một học kỳ phía trước để chạm vào vạch đích năm học 2020 - 2021 với nhiều cảm xúc cho cả trò, thầy cô giáo và phụ huynh.
Tiếp tục chương trình học như thế nào, phần nào đã học trực tuyến, phần nào phải bổ sung sẽ được các trường linh hoạt tổ chức theo thực tế của trường mình. Thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực để thích nghi dạy và học trong bối cảnh mới.
Dẫu vậy, khi trở lại dạy và học trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, ngành này cũng nên tính các phương án, kịch bản trong trường hợp việc đến trường tiếp tục gián đoạn.
Đầu tiên là học trực tuyến. Cần nghiên cứu kỹ học sinh cấp nào có thể học qua mạng và tiếp thu bài hiệu quả. Thực tế đợt sau Tết cho thấy học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, 2 chưa thể mở các bài học trên máy tính, tự học trong khi cha mẹ không thể ở nhà học với con vì còn phải lo toan "cơm áo gạo tiền".
Ngoài lý do đó, ngành giáo dục Hải Phòng dừng học trực tuyến ở lớp 1, 2 bởi các cháu còn nhỏ chưa an toàn khi không có cha mẹ bên cạnh. Quyết định vì người học của Hải Phòng gây cảm xúc và nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Thứ hai, cần tính đến chuyện tiếp cận giáo dục với những trẻ không có máy tính, điện thoại thông minh và không có Internet. Có thể tham khảo câu chuyện của Malaysia.
Ngày 17.2, Chính phủ nước này ra mắt kênh truyền hình giáo dục DidikTV dành cho học sinh không có cơ hội tiếp cận với học trực tuyến trong đại dịch.
Thủ tướng Malaysia nhận định không phải ai trong số 5 triệu học sinh nước này có thể học trực tuyến do chẳng có máy tính hay không có mạng Internet. Kênh này phát sóng từ 7h sáng tới nửa đêm dành cho học sinh từ mầm non tới THCS.
Cuối cùng là các kỳ thi. Việc học trước máy tính thay vì trước bảng đen sẽ ảnh hưởng phần nào đến những học sinh sẽ tham gia thi tuyển vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường nghề... trong năm nay.
Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên chuẩn bị cho việc thi nhiều đợt trong năm và xem đó như một đợt sát hạch. Bất kỳ học sinh nào tự tin về kiến sức, sức khỏe, phong độ làm bài có thể đăng ký dự thi để lấy kết quả xét vào đại học, cao đẳng, trường nghề tùy điều kiện của mình chứ không chỉ mỗi năm chỉ một đợt như hiện nay.
Ngạn ngữ Nhật Bản có câu đại ý nếu chuẩn bị kỹ thì không có gì phải lo lắng. Trong trường hợp dịch bệnh như hiện nay, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản không những làm bớt lo lắng mà sẽ giúp chúng ta thích nghi tốt hơn không chỉ ở trong lĩnh vực giáo dục.
Vâng, trở lại trường chưa phải là mọi chuyện đã khép lại. Phía trước còn cả ngàn công việc không chỉ nhà trường, phụ huynh mà cả xã hội phải lo toan. Đó là phải có kịch bản ứng phó khi COVID-19 vẫn còn đó.
Chuyện học hành là thế. Người làm ăn, kinh doanh cũng phải lường đến và chuẩn bị các tình huống bất trắc có thể quay lại. Chỉ có thể mới bớt buồn, thôi hụt hẫng mỗi khi dịch bùng lại. Đó thực tế chẳng ai muốn, bởi đó chính là "trạng thái bình thường mới".
Theo Tuổi trẻ