Ngộ độc Botulinum hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong cao. Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt (mất thăng bằng), thường đi kèm mờ mắt, khô miệng, khó nuốt, nôn, thậm chí liệt mặt.
Ngộ độc Botulinum do độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra do ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn. Những loại thực phẩm có nguy cơ chứa độc tố Botulinum có thể bao gồm các loại thực phẩm lên men truyền thống không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm đóng hộp và sữa chua đã bị hỏng.
Các triệu chứng ngộ độc Botulinum thường xuất hiện từ 4 giờ đến 8 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc tố.
Triệu chứng ngộ độc Botulinum:
Mờ mắt
Khó nói
Khô miệng, khó nuốt
Mệt mỏi, suy nhược
Đau bụng
Buồn nôn, nôn mửa
Yếu cơ cổ, cánh tay
Liệt mặt
Thực phẩm có nguy cơ chứa độc tố Botulinum và cách phòng chống ngộ độc Botulinum
Những thực phẩm có nguy cơ chứa độc tố Botulinum:
Các loại thực phẩm lên men truyền thống không đảm bảo vệ sinh
Thực phẩm đóng hộp đã bị hỏng
Sữa chua đã bị hỏng
Cách phòng chống ngộ độc Botulinum:
Lựa chọn sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm
Cẩn trọng với những loại thực phẩm đóng gói có mùi, vị, hoặc màu sắc bất thường.
Bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và chín, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
Các loại thực phẩm lên men, chẳng hạn như dưa cà muối nên được muối đủ mặn và đủ độ chua.
Không ăn thực phẩm đóng hộp khi nắp hộp đã bị cong, hộp đã bị gỉ hoặc bị phồng.
Nấu chín kỹ thức ăn.
Theo Sức khỏe và Đời sống