Phương pháp nghiên cứu trồng hành từ nuôi cấy mô của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm sẽ mở ra triển vọng mới trong trồng hành cho bà con nông dân trong tỉnh.
Thành viên nhóm nghiên cứu của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm kiểm tra hành giống trong phòng thí nghiệm
Là hộ tham gia mô hình trồng hành của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, chị Trần Thị Lan ở thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến (Nam Sách) thấy được hiệu quả của việc sử dụng hành giống do viện cung cấp. Theo chị Lan, lúc đầu hành trồng bằng cây con cần sự chăm sóc tỉ mỉ hơn nhưng khi đã lớn chăm sóc khá dễ dàng, còn hành trồng bằng củ bi chăm sóc cũng giống như phương pháp truyền thống. Trong quá trình chăm sóc, hành ít sâu bệnh, dọc to, màu sắc củ đẹp. "Năm nay, nhà tôi có 1 sào hành trồng bằng cây con, 11 sào trồng bằng củ bi. Năng suất củ hành đạt từ 4-4,3 tạ/sào, tương đương phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, dọc hành to hơn, đạt khoảng 5 tạ/sào, cao hơn 1 tạ/sào so với hành trồng đại trà nên khi bán thu được lợi nhuận cao hơn", chị Lan nói.
Còn chị Ninh Thị Hằng ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) cho biết: “So với trồng hành truyền thống, trồng theo phương pháp mới có nhiều ưu điểm, tiết kiệm giống hơn trước. Năm nay, thời tiết thất thường, trong khi hành trồng truyền thống lá bị hỏng, cổ tóp thì hành trồng bằng phương pháp mới khỏe, lá đẹp, không bị bệnh”.
Hải Dương là vựa hành của miền Bắc, diện tích hằng năm 6.300 ha. Hành củ được trồng chủ yếu trong vụ đông, từ tháng 10 đến tháng 11 và thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 năm sau. Nông dân lựa chọn củ hành to, bảo quản, cất giữ từ tháng 3 đến tháng 10 để làm giống cho vụ sau. Tuy nhiên, do thời tiết miền Bắc khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, khiến tỷ lệ hành giống bị thối hỏng cao, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp truyền thống cần lượng hành giống rất lớn, từ 22-25 kg/sào, với giá 40.000 đồng/kg, có năm cao 70.000 đồng/kg. Vì thế, người trồng hành phải đầu tư kinh phí lớn và vất vả trong quá trình lưu giữ hành giống. “Để khắc phục hạn chế trên, cung cấp cho bà con hành giống sạch bệnh, chi phí thấp, nhóm nghiên cứu của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã nghiên cứu phương pháp tạo hành giống từ nuôi cấy mô và đã thu được những kết quả bước đầu”, chị Lê Thị Thanh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Hành trồng bằng phương pháp mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn (ảnh do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cung cấp)
Nhóm nghiên cứu sử dụng loại hành xanh, trắng, tím Kinh Môn, tím Thanh Hóa để thử nghiệm và đã chọn hành xanh Kinh Môn nghiên cứu các bước tiếp theo vì ưu điểm nhân giống nhanh hơn so với 3 giống còn lại.
Nhóm nghiên cứu sử dụng 2 phương pháp để tạo giống. Phương pháp thứ nhất là tách 1 củ hành thành nhiều phần khác nhau, sau đó cho vào môi trường nuôi cấy, tạo cây hoàn chỉnh và được trồng trong vườn ươm khoảng 15 ngày thì đưa ra ruộng. Phương pháp thứ hai là từ cây hành nuôi trong môi trường nghiên cứu sẽ được đưa ra vườn ươm trong 2,5 tháng trồng thành những củ hành bi, sau đó đưa ra ruộng trồng như phương pháp truyền thống.
Hành trồng ngoài đồng của 2 phương pháp trên đều sinh trưởng, phát triển tốt như nhau.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng này trong tỉnh để nông dân không còn lo lắng về chất lượng hành giống cũng như có một giống hành sạch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt.
THANH HÀ