Nền kinh tế sáng tạo của thế giới ngày nay vẫn ghi nhận và tôn vinh bàn tay lành nghề và trí óc sáng tạo của con người.
Chàng thợ mộc Trương Văn Đạo ở Bắc Ninh nổi tiếng nhờ chế tác siêu xe bằng gỗ. Ông bố trẻ bắt đầu thiết kế ô tô bằng gỗ giống các mẫu xe nổi tiếng thế giới khi thấy con trai mình thích các xe đồ chơi chạy điện có vẻ ngoài bắt mắt.
Sau sản phẩm đầu tiên, mô phỏng một siêu xe, không thành công vì không lái được và động cơ điện không hoạt động, anh mày mò làm nhiều sản phẩm tiếp theo. Với chiếc xe tái hiện mẫu Audi Skysphere, anh được đại diện hãng ô tô Đức liên lạc bày tỏ sự cảm ơn và ngưỡng mộ. Những sản phẩm thủ công mô phỏng các mẫu xe thể thao với mức độ hoàn thiện cao được anh đăng tải trên kênh YouTube, thu hút hơn nửa tỷ lượt xem.
Simón Espinal được coi là nghệ nhân vĩ đại nhất trong nghề làm mũ phớt Panama, một sản phẩm thủ công độc đáo có nguồn gốc từ Ecuador. Sử dụng cây rơm toquila, người thợ của làng nghề Pile có thể mất đến 5 tháng để đan một chiếc mũ với độ mịn hiếm có, 4.200 sợi dệt trên một cm2 với giá trị hàng chục nghìn USD. Mỗi năm, nghệ nhân chỉ làm được 3-4 chiếc mũ, nên cung không đáp ứng được cầu. Làng nghề truyền thống ở đây cũng dần mai một khi thế hệ trẻ không muốn theo nghề của ông cha, hoặc không đủ đam mê và nỗ lực để làm nên những sản phẩm tốn nhiều thời gian và công sức.
William Playford bắt đầu nghịch ngợm các động cơ phản lực khi còn là một đứa trẻ. Ông sau đó theo học ngành kỹ thuật máy bay phản lực tại Cambridge, Anh. Ông cũng là người yêu thích cafe espresso. Một ngày, William nghĩ, nếu có thể chế tạo động cơ phản lực thì cũng có thể chế tạo máy pha cà phê espresso mơ ước của mình. Đó là lý do sau 5 năm thai nghén, 9Barista, ấm pha cafe có hình dáng đặc biệt nhất trong tất cả thiết bị pha espresso thủ công trên thế giới, ra đời. Giống như động cơ phản lực, máy pha cà phê yêu cầu áp suất cao, nhiệt độ được kiểm soát tốt và các bộ phận được chế tạo chính xác.
Ba câu chuyện nhỏ này nói về những người theo đuổi nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều có đam mê rất lớn với nghề họ đã chọn, và gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về thành ngữ "nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Ông cha ta đã đúc kết, ghi nhận sự thành công của những người tinh thông công việc của mình.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi đến thăm một số doanh nghiệp cơ khí tại Nhật Bản đang tiếp nhận kỹ sư Việt Nam thực tập. Phía Nhật Bản bày tỏ tiếc nuối với việc kỹ sư Việt mất một năm đầu làm quen công việc, văn hóa - xã hội Nhật Bản, năm thứ hai để luyện lành nghề các kỹ năng, nhưng tới năm thứ ba thì chỉ mong nhanh chóng quay về Việt Nam, hiếm ai muốn ở lại để tiếp tục luyện nghề đến mức tinh thông. Mặc dù các kỹ sư Việt chứng kiến sự tôn trọng mà xã hội và doanh nghiệp Nhật Bản dành cho thợ lành nghề nhiều chục năm kinh nghiệm, lương cao hơn lương giám đốc, nhưng việc này cũng không khuyến khích được các bạn nỗ lực đầu tư thời gian và công sức cho công việc.
Người họ hàng của tôi là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí lâu năm tại Hà Nội, với nhiều khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông không ngần ngại đầu tư thiết bị hiện đại để tạo điều kiện cho người lao động trau dồi kỹ năng, nâng cao năng suất. Nhưng rất nhiều lần, ông chứng kiến lao động sẵn sàng bỏ ngang công cuộc rèn luyện kỹ năng để rẽ sang làm giám đốc hay quản lý một đơn vị mới. Không có gì xấu nếu chim đủ lông đủ cánh bay đi sống tự lập, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu những chú chim ấy được trui rèn kỹ năng tốt hơn để trở thành chim đầu đàn bay xa hơn, mạnh mẽ hơn.
Tôi cũng từng tham dự một hội nghị lớn ở Bờ Biển Ngà, Tổ chức Phát triển châu Phi (vai trò tương tự UNDP ở Việt Nam) đã nêu ra một kiến nghị quan trọng, liên quan đến việc xây dựng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế: đề nghị đào tạo thêm nhiều kỹ sư thay vì cử nhân, vì đây là nguồn tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho các hoạt động của nền kinh tế. Ý kiến này gây tranh cãi, nhưng tôi chia sẻ với góc nhìn này ở khía cạnh: cần khuyến khích phát triển nguồn nhân lực vận dụng tốt cả trí óc và bàn tay.
Phát triển nguồn nhân lực đã và đang được coi là một trụ cột quan trọng trong các chương trình, các khung chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Chính sách này luôn cần được xem xét không chỉ theo chiều rộng mà cả chiều sâu, không chỉ ở quy mô lớn mà ở cả quy mô nhỏ, rất tập trung. Thật đáng khích lệ khi lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Ninh nói rằng, nhiều lao động ở Bắc Ninh chọn làm việc trong các doanh nghiệp gia đình ở các làng nghề thay vì trong các khu công nghiệp ở địa phương.
Những ngày này, Thừa Thiên Huế cũng đang tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 9 với chủ đề Tinh hoa nghề Việt, đề cao tính truyền thống gắn với hội nhập và phát triển, đánh thức sự ủng hộ với các sản phẩm làng nghề truyền thống và coi đây là một phần quan trọng trong quá trình Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dù phát triển đến đâu, không bao giờ có thể thay thế được óc sáng tạo của con người. Tuy nhiên, công nghệ giúp con người rất nhiều trong sản xuất, và cũng giúp sản phẩm, sự sáng tạo của mỗi người được biết đến nhiều hơn, nhanh hơn. Nền kinh tế sáng tạo của thế giới ngày nay vẫn ghi nhận và tôn vinh bàn tay lành nghề và trí óc sáng tạo của con người. Đây là bối cảnh để những người thợ lành nghề, những kỹ sư Việt đang lăn lộn với công việc và khó khăn hiện nay vững bước với lòng tin vào nghề nghiệp đã chọn.
Theo VnExpress