Ngày 24/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong ca trù.
Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi dưỡng, phát triển di sản ca trù trên địa bàn Hà Nội.
Ca trù là bộ môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời, với nhiều thể thức khác nhau. Hát nói là một kiểu thức của ca trù. Về phương diện hình thức, thơ hát nói đủ khổ, thiếu khổ, dôi khổ, có câu gối hạc dôi phách bắc, dôi phách nam, có kiểu thức gieo vần, đặt câu riêng, có mưỡu đơn, mưỡu kép, mưỡu tiền, mưỡu hậu… Sáng tác hát nói tương đối khó, đòi hỏi người sáng tác phải nắm rõ thể thức, cách luật, có tu dưỡng về văn từ, hiểu biết về thơ ca cùng một số thủ pháp nghệ thuật của thơ ca truyền thống, biết dụng điển - dụng sự, có vốn cổ học nhất định, ngoài văn chương cũng cần có hiểu biết nhất định về âm nhạc… Có như vậy, người sáng tác mới có thể tạo tác được những tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn về hình thức, có giá trị về nội dung, nghệ thuật và đảm bảo yêu cầu diễn xướng.
Sau gần 4 tháng phát động, Ban Tổ chức nhận được 135 tác phẩm dự thi của đông đảo người yêu nghệ thuật ca trù, trong đó có tác giả gửi tới 15 tác phẩm. Các tác giả dự thi thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, người trẻ nhất sinh năm 1995 (28 tuổi), người nhiều tuổi nhất là 2 tác giả sinh năm 1928 (95 tuổi). Đặc biệt, cuộc thi nhận được sự tham gia của tác giả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhiều tác giả không hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật song lại dành sự quan tâm đặc biệt cho hát nói trong ca trù.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định cuộc thi đánh giá: Nội dung, đề tài thể hiện rất phong phú, phản ảnh các khía cạnh về Hà Nội, cuộc sống, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có các nội dung, hình tượng ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ, các danh nhân văn hóa, về mùa xuân, mùa thu, tình yêu Hà Nội, về sức sống và giá trị của di sản ca trù, phong cách hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội. Ngoài ra, còn có những nội dung nói về tình mẫu tử, tình yêu quê hương, đôi lứa, truyền thống văn hóa, đấu tranh giữ nước của dân tộc...
Các tác phẩm dự giải, phần đa là các bài đủ khổ, một số bài dôi khổ, không có bài thiếu khổ; có bài có mưỡu đơn, mưỡu kép, một số bài có câu gối hạc dôi phách bắc. Bên cạnh đó, còn có một số bài chưa đảm bảo về cách luật, như cách đặt câu, gieo vần. Tuy nhiên có không ít tác giả có những bài, hoặc chùm bài chất lượng, chuẩn chỉnh về thể thức, cách luật, ngôn từ trau chuốt, điển trọng, trang nhã, hàm súc, vận dụng khéo léo nhiều thủ pháp của thơ ca cổ điển, như đối ngẫu, tập cổ, dụng điển… hợp với cung đàn nhịp phách; nội dung biểu đạt phong phú, nhiều bài có tính triết lí, thể hiện ý vị nhân sinh khá sâu sắc…, cho thấy sự dụng công, điêu luyện của tác giả. Một số tác phẩm cổ nhã, tiệm cận được với các tác phẩm hát nói của tiền nhân. Đáng chú ý, các tác giả có các tác phẩm chất lượng tốt về cơ bản đều là các tác giả ở độ tuổi còn khá trẻ.
Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho tác giả Phạm Văn Ánh (bút danh Trường Phong) với tác phẩm “Quang âm thấm thoắt” (bài thứ nhất). Hai giải nhì trao cho tác giả Lê Tiến Đạt (bút danh Châu Hải Đường) với tác phẩm “Cảm thu” và tác giả Nguyễn Quang Duy (bút danh Hy Nhân) tới tác phẩm “Nhớ Thăng Long” (kỳ I). Ba giải ba trao cho tác giả Đoàn Vĩnh Thắng (bút danh Nguyệt Sinh) với tác phẩm “Dạ vũ độc chước”, tác giả Nguyễn Minh Dũng (bút danh Thanh Tâm) với tác phẩm “Gặp xuân”, tác giả Đàm Quang Minh với tác phẩm “Giọng ca trù vạn điểm”. Ban Tổ chức cũng trao 10 giải Khuyến khích cho các tác giả; đồng thời, trao giấy khen và tặng thưởng cho 2 tác giả nhiều tuổi nhất là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Khướu và Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm; trao thưởng tác giả có nhiều tác phẩm tham gia chất lượng tốt cho tác giả Nguyễn Tiến Đạt và khen thưởng 6 tác giả tích cực hưởng ứng cuộc thi.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định mong muốn từ kết quả cuộc thi này, các cuộc thi tương tự sẽ được phát động, để ca trù nói chung và hát nói nói riêng ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ông đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu, tổ chức ghi âm, ghi hình các tác phẩm đạt giải cao, xuất bản, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới các câu lạc bộ ca trù để các ca nương, kép đàn biểu diễn trong các cuộc hát ca trù…