Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hải Dương xếp thứ 14 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2020.
Đây là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Thực tế cho thấy, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số thường đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Việc sử dụng vốn đầu tư công cho lĩnh vực này cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.
Hiện các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho hệ thống camera giám sát an ninh tại các nút giao thông chính trên địa bàn. Hệ thống camera có tác dụng khá tốt để quan sát tình hình, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự. Nhưng vì các địa phương tự đầu tư lắp đặt các loại camera và hạ tầng kỹ thuật khác nhau nên không có tính liên thông, thống nhất, khó khai thác, sử dụng hình ảnh chung trong toàn tỉnh. Hệ thống camera ở các địa phương cũng chưa có các tính năng khá phổ biến hiện nay như nhận diện biển kiểm soát xe, kiểm tra tốc độ di chuyển của phương tiện... nên Hải Dương chưa thể áp dụng phạt nguội hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như nhiều địa phương khác đã làm. Việc xác minh, truy tìm các đối tượng phạm tội như cướp giật, trộm cắp thông qua hệ thống camera giám sát của nhiều địa phương cũng gặp khó khăn do chất lượng hình ảnh chưa cao, nhất là vào ban đêm.
Tương tự như vậy, hiện nay hệ thống cổng thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương trong tỉnh hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm tính liên thông, nội dung chậm được cập nhật. Trong cuộc làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh mới đây, đại diện một đơn vị tư vấn cho biết Cổng thông tin điện tử tỉnh hoạt động chưa thực sự hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc chưa thuận lợi trong việc tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư tại Hải Dương.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, tính toán đến hiệu quả của các dự án thực hiện chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số còn là vấn đề mới thì việc tham vấn các chuyên gia khi triển khai thực hiện các dự án thực sự rất cần thiết. Như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng chia sẻ thì một công thức để chuyển đổi số là 3S (Smart-Small-Scale). Chuyển đổi số cần bắt đầu thông minh (Start Smart), ở quy mô nhỏ (Small) để đánh giá, khi thành công sẽ nhanh chóng mở rộng (Scale).
Còn theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để biết chi cho chuyển đổi số có hiệu quả hay không thì phải tính được giá trị do chuyển đổi số mang lại như tiết kiệm lao động, giờ lao động, chi phí thường xuyên, giá trị mới. Những giá trị vô hình, dài hạn thì vẫn phải tìm cách lượng hóa. Giá trị tạo ra mà lớn hơn chi phí chuyển đổi số thì là hiệu quả. Các địa phương luôn phải coi chi cho chuyển đổi số như một dự án đầu tư, phải luôn tính thu, chi. Dự án đầu tư phải dương thì mới đầu tư, mới cho làm.
HOÀNG LONG