Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ

25/11/2019 22:02

Sáng 25.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã góp ý vào dự thảo luật. Đại biểu nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Nga có một số ý kiến:

Thứ nhất, về quy định tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp, tôi cho rằng việc tiếp nhận, trưng cầu giám định tư pháp theo thứ tự cấp tỉnh và Trung ương như dự thảo là chưa phù hợp bởi điều 21 Luật Giám định tư pháp hiện hành không có quy định giới hạn lựa chọn tổ chức, cá nhân giám định tư pháp theo phân cấp cơ quan giám định nên việc bổ sung quy định trên sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa điều 21 và điều 25a.

Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc lựa chọn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp là quyền của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do vậy, tôi đề nghị không quy định nội dung này để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ ba, số lượng trưng cầu giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại các bộ, các cơ quan ngang tuy ít nhưng rất phức tạp và khó thẩm định. Dự thảo luật quy định việc giám định vẫn phải do các tổ chức giám định tư pháp cấp Trung ương thực hiện. Vì vậy, việc phân tuyến như dự thảo luật sẽ không đạt được mục đích giảm tải cho các cơ quan Trung ương. Thực tế cũng cho thấy, các vụ án kinh tế, tham nhũng hầu hết đều do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Trung ương đảm nhiệm.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong dự thảo luật, khoản 2, điều 1 dự thảo luật bổ sung điều 41a về nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước quy định: Một, thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu. Hai, công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý. Tôi đề nghị không bổ sung nhiệm vụ này cho Kiểm toán Nhà nước vì các lý do sau:

Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Nhiệm vụ chính của Kiểm toán Nhà nước là thực hiện kiểm toán. Hiện nay, ngoài việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm, Kiểm toán Nhà nước còn thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nhiệm vụ chính trị khác. Như vậy, nhiệm vụ chính của Kiểm toán Nhà nước là thực hiện kiểm toán đã rất nặng nề, tôi đề nghị không giao thêm nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước để Kiểm toán Nhà nước tập trung vào nhiệm vụ thực hiện kiểm toán.

Thứ hai, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập trong hoạt động của mình. Nếu phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật thì Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này lại tham gia giám định thì không bảo đảm tính độc lập, khách quan. Việc thực hiện giám định tư pháp hiện nay được các cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện rất tốt nên nếu giao thêm nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước sẽ chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ về giám định tư pháp với các bộ, ngành quản lý lĩnh vực.

(0) Bình luận
Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ