Du lịch

Tranh cãi vì các hãng bay yêu cầu cân hành khách

Theo VnExpress 30/08/2023 - 14:20

Nhiều hãng bay trên thế giới áp dụng cân hành lý xách tay và hành khách, với lý do đảm bảo "sự an toàn của hoạt động bay".

Hành khách bay nội địa của Korean Air tại sân bay Gimpo, Hàn Quốc, có thể được yêu cầu bước lên bàn cân cùng hành lý cá nhân trước khi lên máy bay từ 28/8. Với các chuyến bay quốc tế từ Incheon, thời gian bắt đầu áp dụng việc này là từ 8/9. Số liệu về cân nặng của hành khách được giữ kín, hành khách quá cân không phải trả thêm tiền. Tuy nhiên, thông báo này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận.

Đại diện hãng cho biết việc cân hành khách được thực hiện theo luật và áp dụng cho mọi hãng bay của Hàn Quốc. Korean Air cũng cho biết luật Hàn Quốc yêu cầu các hãng phải cân hành khách, hành lý xách tay ít nhất 5 năm một lần vì điều này "rất quan trọng đối với sự an toàn của hoạt động bay".

Một người phụ nữ đưa túi cho nhân viên để cân trước chuyến bay ở Auckland, New Zealand ngày 29/5. Ảnh: AP

Một phụ nữ đưa túi cho nhân viên để cân trước chuyến bay ở Auckland, New Zealand ngày 29/5

Vance Hilderman, CEO công ty an toàn hàng không Afuzion lại có ý kiến khác. Máy bay hiện đại được thiết kế để có thể điều chỉnh các thông số bay phù hợp với sự thay đổi trọng lượng và các yếu tố khác. Vấn đề an toàn không bị ảnh hưởng ngay cả trong tình huống có nhiều hành khách nặng cân hơn.

CEO này cũng nói thêm, trọng lượng tăng lên đáng kể của mỗi hành khách "chẳng là gì" nếu so với trọng lượng của nhiên liệu, hàng hóa và chính máy bay. "Nhiên liệu nặng gấp 20 lần trọng lượng hành khách", ông nói.

Shem Malmquist, giảng viên tại Đại học Công nghệ Hàng không Florida, Mỹ cho rằng việc cân ngẫu nhiên "là một ý tưởng hay". "Mọi người ngày càng nặng hơn. 300 người nặng hơn mức trung bình có thể khiến một chiếc máy bay nặng hơn đáng kể. Trong khi đó, mọi tính toán về hiệu suất gồm chiều dài đường băng, độ cao, khoảng trống chướng ngại vật, khoảng cách hạ cánh, độ cao đều phụ thuộc vào trọng lượng cùng những thứ khác", Malmquist nói.

Hilderman đồng tình với việc mọi người ngày càng nặng hơn nhưng tuổi hành khách cũng ngày một trẻ hơn. Điều này sẽ bù đắp cho mức tăng cân trung bình của con người.

Jose Silva, phó giáo sư tại Trường Kỹ thuật thuộc Đại học RMIT Australia cho rằng các hãng bay ngần ngại cân hành khách vì đây là chủ đề nhạy cảm.

Dù vậy, vẫn có nhiều hãng bay áp dụng chính sách cân hành khách. Air New Zealand đã cân hành khách hồi tháng 6 vì lý do liên quan đến an toàn và tiết kiệm nhiên liệu.

Finnair làm điều tương tự vào năm 2017 và Hawaiian Air thực hiện trên các chuyến bay giữa Honolulu và Samoa thuộc Mỹ. Hilderman cho biết Cục Hàng không Mỹ (FAA) năm 2019 tuyên bố các hãng bay có thể cân hành khách.

Tại châu Âu, nơi các hãng vận tải tuân theo quy định của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu ÂU (EASA), gần 23.000 hành khách đã được cân trong hai năm 2008 và 2009. Một báo cáo năm 2022 của EASA cũng chỉ ra rằng trọng lượng trung bình của hành khách "tăng nhẹ" kể từ năm 2009. Hiện nay trung bình khách nam nặng 82 kg và 68 kg đối với nữ.

Hilderman cho biết việc cân định kỳ hành khách và các vật dụng khác trên máy bay có thể giúp các hãng hàng không xác định trọng lượng chính xác để cân đối với lượng hàng hóa vận chuyển. Việc cân trọng lượng còn là một cách để EASA bảo vệ hành khách. Họ muốn chỉ ra rằng hành khách ngày càng to lớn hơn vì vậy các hãng hàng không cần thiết kế ghế và lối đi phù hợp hơn.

Hình thể hành khách đang là một chủ đề gây tranh cãi. Những hành khách quá khổ cáo buộc hãng bay phân biệt đối xử về lối đi và kích thước ghế ngồi. Những hành khách nhỏ con chỉ trích rằng họ bị lấn chiếm không gian khi ngồi cạnh những người béo.

Nhà tư vấn hàng không Nick Gausling nói các ngành khác chịu áp lực phải ưu tiên trải nghiệm khách hàng thì với các hãng hàng không, người tiêu dùng "có rất ít sự lựa chọn để thay thế".

Tigress Osborn, CEO của NAAFA, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người béo ở Mỹ, nói hầu hết các hãng hàng không lớn đưa ra ba lựa chọn cho hành khách thừa cân: trả tiền vé đắt hơn để có chỗ ngồi lớn hơn, mua ghế thứ hai hoặc ở nhà. "Những người béo xứng đáng được đi du lịch giống như người khác. Chúng tôi đóng thuế để hỗ trợ ngành hàng không vì vậy chúng tôi xứng đáng được cung cấp chỗ ngồi an toàn, thoải mái ở mọi mức giá", Osborn nói.

Hilderman nói các hãng bay có thể bán ghế thứ hai cho khách thừa cân với mức chiết khấu lớn hoặc dành những ghế ngồi đặc biệt cho họ để giải quyết vấn đề này.

Nói về việc các hãng bay có thể tăng kích thước ghế ngồi, Hilderman cho rằng "khả thi về mặt lý thuyết" nhưng không thực tế vì chiều rộng thân máy bay là cố định. Tăng kích thước sẽ làm giảm số lượng ghế, lối đi cũng chật hơn và giá vé tăng 20-25%. Trong khi đó, phần lớn mọi người đều không quan tâm đến loại máy bay họ đi, độ cao hay chiều rộng của ghế. Họ chỉ nhìn vào giá. Nếu để sản xuất các máy bay thân rộng hơn để thay thế toàn bộ số lượng hiện tại, chúng ta cần 20 năm.

Arnold Barnett, giáo sư thống kê và khoa học quản lý tại Trường Quản lý MIT Sloan, Mỹ, nói hầu hết hành khách "sẵn sàng chịu đựng kích thước chỗ ngồi hiện tại để đổi lấy giá vé thấp hơn". Nếu chỗ ngồi thay đổi và giá vé tăng lên, việc đi lại sẽ khó khăn đối với những hành khách có ngân sách hạn chế.

"Đối với nhiều người, một chỗ ngồi chật hẹp trên máy bay còn tốt hơn ngồi xe buýt", Barnett nói.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cãi vì các hãng bay yêu cầu cân hành khách