Du lịch

Lợi thế phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, tâm linh ở Ninh Giang

TIẾN HUY 18/06/2024 05:30

Là địa phương có thắng tích, lễ hội dân gian, trò chơi dân gian phong phú, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đang sở hữu nhiều lợi thế và đứng trước các cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh...

00:00

442441297_7527736530645781_4434373919030088811_n(1).jpg
Ông Lenain Pascal, du khách đến từ Pháp thích thú khi được tặng một chú Tễu (nhân vật trong rối nước) sau khi được xem phường rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) biểu diễn. Ảnh: TN

"Nếu có cơ hội tôi sẽ quay lại"

"Lần đầu tiên đến Việt Nam, sau khi xem rối nước ở Ninh Giang, tôi thấy những nét văn hóa của các bạn thật hấp dẫn. Đặc biệt là được xem biểu diễn rối nước tại một làng quê thì càng đậm tính truyền thống hơn. Khung cảnh nơi này thật tuyệt vời, hiếm có, mọi thứ chân chất, mộc mạc, thú vị. Nếu có cơ hội, tôi sẽ quay lại cùng gia đình, bạn bè", ông Lenain Pascal, du khách đến từ Pháp nói sau khi được trực tiếp xem phường rối nước Hồng Phong biểu diễn hồi giữa tháng 5 vừa qua.

Đây không chỉ là cảm nhận của riêng Lenain Pascal, mà còn là nhận xét chung của các thành viên trong đoàn 40 du khách Pháp khi được tận mắt xem các nghệ nhân phường rối nước Hồng Phong thể hiện.

Múa rối nước là loại hình văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam. Phường rối nước Hồng Phong là một nơi phát huy, nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật dân gian này một cách bền vững. Rối nước xuất hiện ở Hồng Phong khoảng từ thế kỷ XVII và lưu truyền cho đến ngày nay. Hình ảnh những cô tiên, đô vật, chú Tễu, con trâu, người nông dân... hiện ra mộc mạc, uyển chuyển, linh hoạt dưới bàn tay điều khiển tài tình của các nghệ nhân đã khiến nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đặc biệt thích thú. Phường nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong còn lưu giữ được các tích trò cổ và sáng tạo ra những trò rối hiện đại để phản ánh đời sống, phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Cùng với rối nước, Ninh Giang còn sở hữu trò chơi dân gian đánh pháo đất đặc sắc, là trò chơi luôn thu hút một lượng lớn khán giả ở đủ các lứa tuổi. Đây là trò chơi dân gian không kén chọn tuổi tác, giới tính người chơi nên lưu truyền thuận lợi hàng trăm năm qua. Hằng năm, mỗi kỳ lễ hội tại địa phương, nhất là lễ hội đền Tranh, hoặc lễ hội cấp quốc gia như Côn Sơn - Kiếp Bạc, các đội pháo thủ Ninh Giang đều góp mặt và giành các giải cao.

Múa rối nước, trò chơi dân gian pháo đất, đập niêu, đi cầu thùm, bịt mắt bắt vịt... là một trong những cơ sở để Ninh Giang phát triển du lịch cộng đồng và mở rộng phạm vi du khách, không chỉ trong nước mà còn là những đoàn khách quốc tế...

Định hướng phù hợp

z5480076520251_aed45215c8689d8e70d77d5ccceaba77(1).jpg
Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian của Ninh Giang đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới khám phá. Ảnh: TRƯỜNG NGUYỄN

Xây dựng dự án phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở các yếu tố nội tại sẵn có là điều được các cấp chính quyền ở Ninh Giang trăn trở lâu nay. Đây được cho là một định hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng và con người của địa phương.

Ninh Giang có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiếp giáp với Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện (Hải Dương); Quỳnh Phụ (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối giữa Ninh Giang và các địa phương trong, ngoài tỉnh Hải Dương cũng ngày càng được hoàn thiện.

z5422615025669_a7904559827fa9bc206a4301f1b58893(1).jpg
Nghệ thuật hát văn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ đuợc UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại được biểu diễn tại di tích quốc gia đền Tranh

Ninh Giang hiện có hơn 300 di tích, bao gồm nhiều loại hình như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, tượng đài, bia chiến thắng... phân bố khắp các xã, thị trấn. Ngoài hệ thống di tích, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, Ninh Giang còn có nhiều làng nghề truyền thống. Đáng kể là nghề làm bánh gai ở thị trấn Ninh Giang và một số địa phương trong huyện; làm giò chả (xã Tân Hương); làng nghề mộc Cúc Bồ (xã Kiến Quốc); nấu rượu Văn Hội (Văn Giang cũ). Các sản vật địa phương cũng đã tạo được danh tiếng như ổi Hiệp Lực, vải thiều sớm Vĩnh Hòa, bánh gai, thịt trâu... mang lại những trải nghiệm ẩm thực đặc trưng vùng miền khác biệt cho du khách.

z5480170197615_91c051867e7f3f083e31809b254fec6d(1).jpg
Pháo đất Ninh Giang là trò chơi dân gian luôn thu hút đông khán giả và các pháo thủ ở đủ các lứa tuổi, giới tính hào hứng tham gia. Ảnh: Ban Quản lý đền Tranh

Trên cơ sở các lợi thế vốn có của huyện Ninh Giang, đã có đơn vị đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như "Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng". Sản phẩm du lịch chính: Du lịch tham quan - tín ngưỡng hầu thánh đền Tranh; đền thờ Khúc Thừa Dụ. Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp khu du lịch sông Cửu An. Các sản phẩm du lịch bổ trợ như: tham quan tượng đài Bác Hồ (xã Hiệp Lực), khu lưu niệm Bác Hồ (xã Hồng Dụ), đình Bồ Dương (xã Hồng Phong), làng nghề mộc Cúc Bồ... Đồng thời, phát triển các tour, tuyến du lịch chuyên đề liên tỉnh từ Ninh Giang đi Côn Sơn - Kiếp Bạc...

Theo thống kê, hơn 5 tháng đầu năm, có khoảng 50.000 lượt du khách đến với Ninh Giang, chủ yếu là các di tích lớn như đền Tranh, đền thờ Khúc Thừa Dụ, chùa Trông, đình Trịnh Xuyên. Riêng phường rối nước Hồng Phong đón trên 50 đoàn khách với khoảng 300 lượt khách nước ngoài. Con số này khá cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là một cơ sở quan trọng, tín hiệu thuận lợi để Ninh Giang phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh...

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi thế phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, tâm linh ở Ninh Giang