Từ tháng 4.2022, Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo thượng tá Phạm Hữu Măng, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), thời gian vừa qua, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên không gian mạng có những diễn biến hết sức phức tạp. Hình thức cho vay qua các ứng dụng trên internet ngày càng nở rộ và là một hình thức mới của hoạt động “tín dụng đen”, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của lực lượng chức năng.
Đa phần người tìm đến "tín dụng đen" đều có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, lao động bị mất việc làm. Các ứng dụng này có các chiêu thức quảng cáo, lôi kéo người vay vốn bằng lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp. Các đối tượng yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, cho phép quyền truy cập vào danh bạ điện thoại. Khi người vay không có khả năng thanh toán, ngoài các thủ đoạn truyền thống như cho các đối tượng xã hội đến đe dọa, ép trả nợ, các đối tượng này còn thường xuyên gọi điện cho người thân, người quen của con nợ, khủng bố tinh thần bất kể ngày đêm.
Từ hoạt động “tín dụng đen”, nhiều loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác phát sinh như đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, tổ chức đánh bạc...
Thời gian qua, Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong đấu tranh với loại tội phạm này. Liên tiếp nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương được các đơn vị công an, công an địa phương phối hợp bóc gỡ thành công.
Để thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát hình sự và công an các địa phương tổ chức ra quân, tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi lợi dụng kinh doanh cầm đồ để hoạt động “tín dụng đen”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính có nghi vấn liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Do triển khai đồng bộ các biện pháp nên hoạt động “tín dụng đen” đã giảm mạnh. Từ ngày 1.4-31.5.2022, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, điều tra, xử lý 11 vụ, 11 đối tượng, khởi tố 6 vụ, 6 bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, trong đó có các đối tượng đã hoạt động nhiều năm, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính không có giấy phép kinh doanh phần lớn đã đóng cửa, dừng hoạt động. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng tổ chức đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với tội phạm tổ chức đánh bạc-là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm, tập trung vào các băng nhóm, đường dây lớn, hoạt động chuyên nghiệp, liên huyện, liên tỉnh, các điểm phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Hiện nay, chế tài xử phạt đối với loại tội phạm này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy để xử lý triệt để loại hình tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an thì sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân; sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội trong quá trình hỗ trợ, giải quyết nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc cấp phép cũng như quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải chặt chẽ hơn, phòng chống tiêu cực, "bảo kê" để các loại hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” không còn đất để hoạt động.
VŨ OANH(Công an tỉnh Hải Dương)