Trạm y tế cấp xã: Tổ chức và hoạt động chưa tương xứng

11/12/2018 06:41

Là đầu mối chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và triển khai nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia nhưng cả tổ chức và hoạt động của các trạm y tế cấp xã hiện đều chưa xứng với vai trò.

Phối hợp khám sàng lọc bệnh nhân đái tháo đường tại Trạm Y tế xã Phú Điền (Nam Sách)

Mạng lưới các trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là TYT xã) có chức năng, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của TYT xã hiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, chưa xứng với vai trò của các trạm. 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm

Đến tháng 12.2018, toàn tỉnh có 243 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đủ số phòng chuyên môn để thực hiện công tác khám, chữa bệnh và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại trạm. Khối nhà điều trị của 265 TYT xã bình quân có 10,5 phòng/trạm (đạt mức tối thiểu theo quy định), trong đó có 55% được xây mới và có thời gian sử dụng dưới 10 năm. 

Tuy nhiên, việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất ở một số TYT chưa được địa phương thực sự quan tâm, thậm chí cơ sở vật chất ở một số TYT đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này gây ra nhiều trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chuyên môn. Hiện nay, toàn tỉnh có 29TYT xã xuống cấp cần phải xây mới khối nhà điều trị, tập trung ở các huyện: Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện và Tứ Kỳ. Các trang thiết bị y tế tại trạm chủ yếu là các dụng cụ và thiết bị đơn giản để phục vụ cho công tác sơ cấp cứu và khám lâm sàng. Một số trang thiết bị y tế được quy định tại Quyết định số 1020/QĐ-BYT ngày 22.3.2004 của Bộ Y tế hiện nay chưa phù hợp với các TYT, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. TYT xã chưa có hệ thống phần mềm công nghệ thông tin đầy đủ, thống nhất theo Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29.12.2017 và Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 17.3.2018 của Bộ Y tế, chưa kết nối giữa Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc để quản lý tập trung dữ liệu. Để triển khai Thông tư số 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở có hiệu quả cần có máy siêu âm, điện tim, máy đo đường huyết nhưng hiện hầu hết các TYT xã không có những thiết bị này. 

Do trang thiết bị y tế vừa thiếu vừa lạc hậu, dịch vụ kỹ thuật chuyên môn còn hạn chế, nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa bảo đảm nên chưa tạo được niềm tin cho nhân dân nhất là trong bối cảnh hệ thống y tế tư nhân đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bởi thế không ít trường hợp dù mắc một số bệnh nhẹ, thông thường nhưng người dân không lựa chọn dịch vụ của TYT xã mà sẵn sàng tìm đến tuyến trên hoặc cơ sở y tế tư nhân.

Hạn chế về nhân lực 

Khắc phục những bất cập của trạm y tế xã cần đến những chính sách, cơ chế đồng bộ. Trong ảnh: Khám bệnh cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Đoàn Tùng (Thanh Miện)

Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh mà nguồn nhân lực của TYT xã vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.343 cán bộ y tế đang công tác tại các TYT xã. Trong đó có 223 bác sĩ, 517 y sĩ, 227 hộ sinh, 339 điều dưỡng, 23 dược sĩ... Chỉ có 283 người trong số đó có trình độ đại học và trên đại học (chiếm 21,1% nhân lực y tế tuyến xã). Số lượng bác sĩ đang công tác tại TYT chỉ có 223 người, trong đó nhiều người chưa được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, một số bác sĩ đã đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, việc bố trí các bác sĩ công tác thường xuyên tại các TYT gặp nhiều khó khăn. Hiện tại chỉ có 209 trong tổng số 265 xã, phường, thị trấn bố trí được bác sĩ thường xuyên công tác, chiếm 78,9%. 

Tại cuộc giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh với Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, đại diện trung tâm nêu những khó khăn trong việc duy trì bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm. Huyện Gia Lộc có bác sĩ làm việc tại TYT xã theo chính sách đào tạo, thu hút bác sĩ của tỉnh. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều bác sĩ giỏi bỏ việc ở các cơ sở y tế thì việc giữ chân, thu hút bác sĩ công tác lâu dài tại TYT cũng là thách thức không nhỏ. Đây cũng là thực trạng chung ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, các TYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu cán bộ dược chuyên trách, chủ yếu chỉ làm công tác kiêm nhiệm. TYT là tuyến cuối để thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: chương trình tiêm chủng mở rộng; an toàn thực phẩm; phòng chống bệnh không lây; chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ... Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở TYT phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, mỗi cán bộ, nhân viên phải phụ trách nhiều chương trình. Quy định mỗi thôn, khu dân cư có 1 cán bộ y tế hiện nay có nhiều bất cập vì một số xã, phường, thị trấn có địa bàn thôn, khu dân cư rộng, dân số đông từ 3.000-4.000 nhân khẩu (bằng dân số của một xã nhỏ) nên cán bộ y tế khó nắm bắt được tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn do mình phụ trách. 

Để khắc phục những bất cập còn tồn tại để các TYT phát huy tối đa hiệu quả cần phải có những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ, lâu dài như việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Cùng với đó, phải có chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, thu hút họ làm việc và gắn bó lâu dài với TYT.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trạm y tế cấp xã: Tổ chức và hoạt động chưa tương xứng