Trở thành đô thị loại I, TP Hải Dương đang nỗ lực xây dựng để hướng tới thành phố đáng sống, thực sự là đầu tàu của tỉnh trên mọi lĩnh vực.
Hồ Bạch Đằng - "lá phổi xanh" của thành phố
Thay đổi diện mạo đô thị
Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, diện mạo TP Hải Dương đã và đang đổi thay từng ngày. Thành phố quan tâm đầu tư, triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, phát triển hệ thống cây xanh, từng bước chỉnh trang đô thị, tạo không gian xanh - sạch - đẹp, giúp nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Hiện nay, khắp các đường phố đã tràn ngập sắc màu của cây và hoa. Đây là một bộ phận không thể thiếu trong kiến trúc và cảnh quan đô thị, có tác dụng làm sạch môi trường, góp phần tăng cường sức khỏe cho nhân dân.
Để tạo “lá phổi xanh”, không gian sống trong lành, hằng năm TP Hải Dương đều có kế hoạch cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh phù hợp với tốc độ đô thị hóa. Thành phố loại bỏ dần những loại cây nguy hiểm, độc hại, cây không còn phù hợp, không tạo cảnh đẹp như cây trứng cá, xà cừ, trúc anh đào, gạo gai... Nhiều cây có hoa đẹp được trồng thay thế như osaka, hoa ban... Nhiều tuyến đường mới được trồng một loại cây để tạo điểm nhấn, dấu ấn riêng.
Đảng bộ, chính quyền TP Hải Dương đã tập trung triển khai các đề án trọng điểm về lĩnh vực quản lý đô thị, vệ sinh môi trường. UBND thành phố thực hiện Đề án “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2010 - 2015”, đang tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng đô thị văn minh giai đoạn 2016 - 2020". Thành phố đã tổ chức các hội nghị cấp thành phố về chấn chỉnh trật tự đô thị, trật tự xây dựng, đầu tư nhiều công trình giúp thay đổi diện mạo, xứng tầm đô thị loại I.
Từ năm 2016 - 2018, thành phố đã đầu tư 134 công trình hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí khoảng 630 tỷ đồng. UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã ra quân lập lại trật tự đô thị, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay làm đẹp đô thị. Nhiều phường duy trì việc tổng vệ sinh đường phố vào sáng chủ nhật hằng tuần. Một số phường đã xây dựng được các mô hình điểm trong quản lý đô thị, vệ sinh môi trường. Tiêu biểu như mô hình tuyến phố không rác trên các đường Bình Lộc, Nguyễn Chế Nghĩa và 18 tuyến phố ở phường Hải Tân; mô hình trông giữ xe trên đại lộ Hồ Chí Minh; mô hình bán hàng gọn trên phố Minh Khai...
Đầu tư cho con người
Hầu hết các trường học ở TP Hải Dương đều có cơ sở vật chất bảo đảm chuẩn quốc gia
Xác định con người chính là yếu tố quyết định để thực hiện những mục tiêu dài hạn, TP Hải Dương luôn quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, thành phố có 103 trường học trong diện quản lý. Hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất bảo đảm trường chuẩn quốc gia. Trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên đều đạt và vượt chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu.
Hằng năm, thành phố đều tăng cường chỉ đạo về đạo đức nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện... Đối với từng cấp học, ngành giáo dục thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung giảng dạy, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phù hợp với thực tiễn.
Trong những năm học qua, ngành giáo dục thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xứng đáng là cái nôi đào tạo nhân tài xứ Đông. Năm học 2018-2019, tất cả các xã, phường đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3.
Các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường áp dụng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường cả khối nhà trẻ và mẫu giáo của thành phố luôn cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục năng khiếu bậc tiểu học nhiều năm liền giữ vững vị trí nhất tỉnh. Năm học 2018-2019, thành phố không có học sinh lưu ban, tỷ lệ học sinh khuyết tật đến trường đạt 92%. Toàn thành phố có 112 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, 196 em đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh...
Các trường THCS trên địa bàn đều thực hiện dạy học tự chọn theo đúng quy định với nội dung phù hợp, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tốt công nghệ thông tin...
Kết quả, năm học 2018-2019, hơn 45% số học sinh đạt học lực giỏi; 99,93% số học sinh tốt nghiệp lớp 9; là địa phương dẫn đầu tỉnh trong cuộc thi học sinh giỏi 8 môn văn hóa lớp 9. Học sinh thành phố chiếm gần 73% trong tổng số học sinh thi đỗ vào lớp10 Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi...
Để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, ngày 9.9.2019 Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương ban hành nghị quyết về công tác quản lý, phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra các trường hợp vi phạm trong dạy thêm, học thêm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã ban hành các văn bản yêu cầu các trường học thuộc cấp quản lý thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; nghiêm cấm dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học. Nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý dạy thêm, học thêm tại đơn vị, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền.
TP Hải Dương cũng chú trọng tới chất lượng bếp ăn bán trú của học sinh. Các trường học hướng tới việc sử dụng thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để phục vụ bữa ăn bán trú của các cấp học. Nhiều mô hình điểm về bếp ăn bán trú trên địa bàn thành phố cho kết quả khả quan khi học sinh hào hứng, phụ huynh hài lòng và nhà trường bớt áp lực.
Với những nỗ lực trong cải tạo đô thị và đầu tư cho con người, TP Hải Dương được kỳ vọng sẽ có bước tiến dài trong tương lai, là đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, thân thiện và đô thị an toàn, an tâm.
PV