Ngày 12/9, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho rằng các nước phương Tây đang phá hủy khuôn khổ quan hệ kinh tế toàn cầu mà họ đã xây dựng ngay từ đầu, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều nước phản đối điều này.
Theo đài RT, cụ thể, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, ông Putin nói rằng bối cảnh nền kinh tế quốc tế đang thay đổi một phần vì một số quốc gia, chủ yếu là các quốc gia phương Tây, đang tự tay phá hủy hệ thống quan hệ tài chính, thương mại và kinh tế.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, ngày càng nhiều quốc gia đã mở rộng hợp tác kinh doanh thực sự. Tổng thống Putin nói: “Các quốc gia này ưu tiên không phải các sự kiện chính trị tạm thời mà là thúc đẩy các dự án riêng... mang lại lợi ích trực tiếp và lâu dài cho người dân nước mình”. Theo ông Putin, điều này đã làm xuất hiện một mô hình quốc tế mới không hình thành dựa trên tiêu chuẩn phương Tây và không phục vụ cho giới tinh hoa mà phục vụ cho toàn thể nhân loại cũng như thế giới đa cực đang phát triển.
Bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và vừa có thêm 6 thành viên) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang có thêm ảnh hưởng quốc tế khi nhiều quốc gia tìm cách vượt qua các thể chế quốc tế do phương Tây thống trị mà không giải quyết được những bức xúc của họ.
Hồi tháng 6, ông Lavrov cũng ước tính rằng cứ 4 quốc gia trên thế giới thì có một quốc gia bị Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu trừng phạt ở một mức độ nào đó. Theo ông Lavrov, điều này có nghĩa là phương Tây đang sử dụng nền kinh tế toàn cầu làm công cụ để ép buộc, tống tiền và trừng phạt.
Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga đặc biệt khắc nghiệt liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga với số tiền khoảng 600 tỷ USD.
Trước đó, ngày 21/6, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine với mục đích ngăn chặn các nước thứ 3 và các doanh nghiệp "lách" các biện pháp trừng phạt hiện nay của EU. Đây là gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Nga.
Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, cho biết gói trừng phạt bao gồm các quy định cấm mọi hoạt động quá cảnh qua Nga các loại hàng hóa và công nghệ mà quân đội Nga có thể sử dụng hoặc hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Moskva. Gói biện pháp này cho phép áp đặt các hạn chế đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cho các quốc gia có thể bán lại cho Nga và mở rộng danh sách các hàng hóa bị hạn chế do có thể phục vụ quân đội và lĩnh vực quốc phòng của Nga.
Các biện pháp này cũng gia hạn thời gian đình chỉ cấp phép 5 cơ quan truyền thông Nga phát sóng tại châu Âu. EU cũng bổ sung thêm 71 cá nhân và 33 thực thể vào danh sách có tài sản bị phong tỏa tại EU.
Theo báo Tin tức