Ebrahim Raisi, giáo sĩ vừa đắc cử Tổng thống Iran hiện bị Mỹ trừng phạt vì vấn đề nhân quyền và được đánh giá là người không có kinh nghiệm liên quan trong việc lãnh đạo đất nước cũng như chính sách đối ngoại.
Giáo sĩ có quan điểm cứng rắn Ebrahim Raisi đã đắc cử Tổng thống Iran và sẽ chính thức kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ định hướng kinh tế cũng như chính sách đối ngoại mới của Cộng hòa Hồi giáo sẽ thay đổi như thế nào.
Ông Raisi đã giành được 17,9 triệu phiếu bầu phổ thông, chiếm 61,9% số phiếu, áp đảo so với các ứng viên ủng hộ cải cách cũng như các ứng viên ôn hòa.
Đúng như dự đoán của nhiều nhà quan sát, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ ở mức 48,8%, thấp kỷ lục trong lịch sử của Iran. Điều này cho thấy “sự phản đối ngầm” trước các cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước, những hạn chế xã hội và chính trị ngày càng tăng kể từ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) vào năm 2018, khiến Tehran tiếp tục chịu các lệnh trừng phạt từ Washington.
Ông Raisi được đánh giá là thiếu kinh nghiệm ngoại giao cũng như kinh nghiệm điều hành. Ông giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Iran từ tháng 3/2019 tới nay. Ông cũng được cho là gương mặt sáng giá thay thế Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã 82 tuổi và có 32 năm nắm giữ cương vị này.
Câu hỏi về mối quan hệ với Mỹ và phương Tây
Sự nổi lên của ông Raisi đặt ra câu hỏi về tương lai mối quan hệ giữa Iran với phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Trong những năm qua, ông Raisi thường xuyên thể hiện quan điểm cứng rắn và gay gắt đối với phương Tây và Mỹ.
Hồi tháng 12.2020, ông Raisi từng phát biểu với một nhóm sinh viên rằng, Mỹ đang “yếu hơn bao giờ hết” và việc “quá chăm chú vào các cuộc đàm phán với Mỹ là sai lầm nghiêm trọng”.
Với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp, ông Raisi cũng từng vài lần tuyên bố về chính sách đối ngoại. Gần đây ông từng nói rằng “sự đàn áp và thái độ đế quốc của Mỹ sẽ không thay đổi cho dù là đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ… và điều làm Mỹ thất vọng là sức mạnh của Cộng hòa Hồi giáo Iran”.
Sau vụ Mỹ hạ sát chỉ huy Lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), tướng Qassem Soleimani tháng 1.2020, ông Raisi nói rằng, Mỹ là “biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ” và “sự hiện diện của Mỹ trong khu vực không mang lại kết quả gì ngoài sự bất an, gây hỗn loạn và gián đoạn đối với sự ổn định của khu vực”.
Ông Raisi phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ vì bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền. Ông chưa bao giờ bình luận công khai về các cáo buộc này, nhưng Bộ Tư pháp của ông Raisi nổi tiếng với các phán quyết nghiêm khắc và thường sử dụng đến án tử hình.
Một số chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tìm cách lôi kéo chính quyền sắp tới của ông Raisi trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng hồ sơ của tổng thống mới ở Iran có thể khiến nhà lãnh đạo Mỹ phải cân nhắc. Nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Biden và là yếu tố cố định trong các cuộc đàm phán của phương Tây với Tehran.
Sohail Jannessari, giáo sư trợ giảng về khoa học chính trị tại Đại học Pompeu Fabra của Barcelona (Bồ Đào Nha), cho biết: “Ông Raisi có thể sẽ gặp khó khăn vì hồ sơ nhân quyền. Các nhóm [ủng hộ nhân quyền] có thể sẽ kêu gọi EU trừng phạt ông Raisi, nhất là khi ông đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Thậm chí có khả năng ông Raisi sẽ không thể đi đến thế giới phương Tây”.
Khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân
Tổng thống đắc cử Iran dự kiến sẽ duy trì động lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân và kiềm chế “chủ nghĩa phiêu lưu” quân sự trong khu vực có thể làm sụp đổ các cuộc đàm phán ở Vienna.
Talal Mohammad, nhà nghiên cứu tại Trường St Antony, thuộc Đại học Oxford, nói rằng, việc tiếp tục các quan điểm chống phương Tây có khả năng xảy ra, nhưng chính quyền Raisi sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu nó được chính quyền Rouhani hồi sinh trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ.
“Chắc chắn, chính quyền mới [của Iran] sẽ cố gắng hết sức để giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại. Vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào tổng thống mà chịu sự giám sát của Lãnh đạo Tối cao. Tuy nhiên, chính quyền Raisi có thể sẽ không đàm phán về khả năng tên lửa của Iran, sự ủng hộ của Iran đối với các nhóm trong khu vực như Hamas và Hezbollah hay chính quyền Bashar al-Assad ở Syria hay các chính quyền không thuộc khu vực như Venezuela. Đây không phải là những vấn đề mà tổng thống là người duy nhất có quyền quyết định”, ông Mohammad nói với Asia Times.
Phép thử để trở thành người thay thế Lãnh tụ Tối cao Khamenei
Các nhà phân tích cho rằng, một trong những điểm yếu của Raisi là ông thiếu một “thương hiệu chính trị” để thu hút sự ủng hộ trong nước và quốc tế. Ông Raisi thiếu sự uy tín giống như Tổng thống cải cách Mohammad Khatami, cũng không toát lên được sức hút mà ông Tổng thống Ahmadinejad đã tận dụng để tạo ra sự ủng hộ.
Nhiệm kỳ tổng thống sẽ là một phép thử về đối với ông Raisi về khả năng trở thành người thay thế Lãnh tụ tối cao Khamenei, trong bối cảnh những tin đồn về sức khỏe của ông Khamenei xấu đi đã lan truyền từ vài năm.
Nhóm chính sách đối ngoại của ông Raisi có lẽ sẽ bao gồm các nhân vật bảo thủ và các nhà ngoại giao ít được biết đến từ hàng ngũ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hùng mạnh. Ông cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Saeed Jalili - nhà tư tưởng cực đoan bảo thủ, từng là nhà đàm phán hạt nhân dưới thời Tổng thống Ahmadinejad.
“Với một người thiếu kinh nghiệm cũng như sức hút như Raisi, khi ở vị trí lãnh đạo, ông có thể dựa nhiều hơn vào các nhà ngoại giao thân thiện. Ông Raisi được cho là người sẽ thay thế Lãnh tụ Khamenei, nhưng nếu ông ấy không được yêu thích với tư cách tổng thống, ông ấy sẽ mất cơ hội này”, Shahed Ghoreishi, một thành viên của tổ chức Defense Priorities tại Mỹ, nhận định.
Theo VOV