Quy định cũng khống chế tổng số cấp phó của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy không quá 15 người; Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP Hồ Chí Minh không quá 18 người.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định số 04-QĐi/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy (sau đây gọi chung là cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy).
Cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy trong quy định này gồm: văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận, ban nội chính. Ngoài các cơ quan tham mưu, giúp việc nêu trên, khi Bộ Chính trị quyết định thành lập thêm cơ quan khác, Ban Bí thư sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cho cơ quan đó.
Nguyên tắc tổ chức các cơ quan tham mưu, giúp việc bảo đảm tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh ủy; không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; không nhất thiết cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương có vụ, cục... nào thì ở cấp tỉnh cũng có tổ chức tương ứng. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; không nhất thiết tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy ở các địa phương phải giống nhau. Thực hiện thống nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy. Các công việc về hành chính nội bộ (nếu cần) của các cơ quan tham mưu, giúp việc do lãnh đạo cơ quan phân công kiêm nhiệm phù hợp với tỉnh hình cụ thể.
Đầu mối bên trong của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy do ban thường vụ tỉnh ủy quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và định hướng khung của quy định này. Tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Tối thiểu 5 người mới lập một đầu mối (phòng và tương đương). Phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng.
Quy định cũng khống chế tổng số cấp phó của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy không quá 15 người; Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP Hồ Chí Minh không quá 18 người. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi cơ quan do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định. Biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm đã được phê duyệt; bảo đảm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị...
Theo quy định, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của các cơ quan tham mưu, giúp việc theo tình hình thực tế của địa phương. Đối với văn phòng tỉnh ủy, thành ủy được lập tối đa không quá 6 phòng. Ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra không quá 4 phòng; ban tổ chức, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh không quá 5 phòng. Ban tuyên giáo không quá 5 phòng; Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh không quá 6 phòng. Ban dân vận, ban nội chính không quá 3 phòng; Ban Dân vận, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh không quá 4 phòng...
Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25.7 và thay thế Quy định số 219-QĐ/TW ngày 27.12.2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy; Quy định số 183-QĐ/TW ngày 8.4.2013 của Ban Bí thư khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ mày của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
PV